Tin nóng
28.08.2014
Sáng 28-8, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để triển khai Chỉ thị số 22 và 23 ngày 05-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020” và “Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020” (ảnh).

Về xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, Chỉ thị 22 nêu rõ, trong 5 năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới có khả năng hồi phục, nhờ đó có thể có tác động tích cực và tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội nước ta.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó lường như hiện nay, thì việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải có quyết tâm cao, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn, tận dụng được cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển.

Trên cơ sở mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và tình hình thực tế, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu tổng quát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là: “Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, xã hội và tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 6,5-7%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm.

Các mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên được xây dựng căn cứ vào mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và định hướng Đề cương báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã trình Ban Chấp hành Trung ương.

Luật Đầu tư công quy định nhiều nội dung đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn đầu tư công và phù hợp với các thông lệ quốc tế. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, với việc ban hành Luật Đầu tư công đã tạo ra hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong quản lý các nguồn vốn đầu tư công.

Thứ hai, phạm vi điều chỉnh Luật bao quát được việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công. Với phạm vi điều chỉnh và các đối tượng phạm vi áp dụng Luật được quy định tại Chương I đã bao quát các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam và tại nước ngoài.

Thứ ba, đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công; đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước; ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.

Thứ tư, tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công.

Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư; chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Đây cũng là một trong những đổi mới quan trọng trong quản lý đầu tư công. Luật Đầu tư công đã dành riêng một chương quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công bao quát toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm theo các nguyên tắc, điều kiện lựa chọn danh mục chương trình, dự án đầu tư theo từng nguồn vốn cụ thể.

Thứ sáu, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Luật Đầu tư công đã dành một chương quy định các nội dung về triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công của tất cả các cấp, các ngành. Đây cũng là lần đầu tiên công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư công, đặc biệt các quy định về giám sát cộng đồng được quy định trong Luật đáp ứng được yêu cầu quản lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Với các quy định này sẽ bảo đảm kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công được triển khai thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, trong từng khâu thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đều được tổ chức theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới hoàn thiện quy chế phân cấp quản lý đầu tư công phân định quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của từng cấp.

Thứ tám, với những nội dung đổi mới nêu trên, việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công góp phần quan trọng vào việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng nâng cao hiệu quả; từ đó tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Thứ chín, với việc quy định rõ ràng, cụ thể các quy định pháp lý trong toàn bộ hoạt động đầu tư trong Luật Đầu tư công, là một bước tiến lớn trong quản lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện pháp lý để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Tại cuộc họp, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan triển khai một số văn bản hướng dẫn thực hiện theo hai nội dung mới của hai Chỉ thị 22 và 23./.

Hoài Anh

Số lần đọc: 2037
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan