Tin nóng
23.12.2013
Là mục tiêu chính của Hội thảo “xúc tiến đầu tư và thúc đẩy phát triển ngành thuỷ sản tại các tỉnh ĐBSCL”, do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì, diễn ra ngày 20-12 tại TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang).

TS. Ngô Anh Tuấn – Trưởng nhóm tư vấn Dự án “Khảo sát và đánh giá thí điểm các tỉnh trong việc hình thành các trung tâm phát triển thuỷ sản (TTPTTS) vùng ĐBSCL” – cho biết sau quá trình nghiên cứu, nhóm chuyên gia tư vấn xác định đã đến lúc xem xét đầu tư hình thành các trung tâm nghề cá lớn (TTNCL) và TTPTTS tại ĐBSCL.

Bởi lẽ, trong vòng 10 năm trở lại đây, quy mô sản xuất của tất cả các lĩnh vực: Khai thác hải sản, chế biến thuỷ sản xuất khẩu, chế biến thức ăn thuỷ sản, dịch vụ hậu cần nghề cá… đều đã vượt khỏi phạm vi hành chính một tỉnh/thành phố. Do đó, đòi hỏi phải được tổ chức sản xuất lại, liên kết theo chuỗi ngành hàng các sản phẩm chủ lực giữa các địa phương theo quy hoạch thống nhất và đầu tư đồng bộ.

Theo TS. Tuấn, có nhiều vấn đề đáng quan tâm đang đặt ra trong phát triển thuỷ sản tại ĐBSCL. Trước hết về đầu tư phát triển thuỷ sản. Tính đến thời điểm này ĐBSCL có 140 dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 9,4 ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, các dự án này chỉ phát huy tác dụng trong phạm vi từng tỉnh/thành phố, vốn đầu tư nhỏ, quy mô manh mún, thiếu tính liên kết vùng, hạn chế gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm thuỷ sản.

Không chỉ vậy, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cũng đã dần bộc lộ rõ. Nguyên nhân do các mô hình sản xuất trong khai thác hải sản xa bờ, nuôi tôm, nuôi cá tra thâm canh đã mang tính chất của sản xuất công nghiệp quy mô rất lớn, nhưng mô hình tổ chức quản lý chưa thay đổi.

Trong chỉ đạo phát triển sản xuất thuỷ sản, phương châm chỉ đạo của nhiều địa phương còn quá tập trung phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp, trong khi 70% ngư dân vẫn đang khai thác hản sản gần và ven bờ, toàn vùng ĐBSCL còn tới 700.000 ha diện tích nuôi thuỷ sản nuôi theo phạm vi hộ gia đình (quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái…)

Ngoài ra, quan hệ phối hợp, liên kết giữa các địa phương trong quản lý phát triển sản xuất thuỷ sản còn hạn chế. Cơ chế thu nhận, chia sẻ thông tin yếu kém. Sự phối hợp trong bảo vệ môi trường, tài nguyên và nguồn lợi thuỷ sản chưa tốt. Việc xây dựng thương hiệu và áp dụng quy định chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thuỷ sản có thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp thuỷ sản yếu, nguy cơ mất thị phần, mất lợi thế luôn hiện hữu và thách thức.

TS. Tuấn – cho rằng giải pháp cho các vấn đề vừa nêu là phải tổ chức lại sản xuất cho phù hợp, đồng thời rà soát quy hoạch gắn với quản lý quy hoạch phát triển thuỷ sản theo hướng tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng và đa dạng hoá sản phẩm. Ngoài ra cần phải tăng cường sự liên kết giữa các địa phương ĐBSCL, phát triển chuỗi sản xuất các ngành hàng thuỷ sản theo hướng cụm vệ tinh quanh các trung tâm lớn. Sau cùng là phối hợp đồng bộ trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, tăng cường đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực thuỷ sản./.

Hoài Anh

Số lần đọc: 2054
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan