Tin nóng
21.02.2017
Ngày 20/02, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp trên địa bàn tỉnh để nghe báo cáo tình hình thả nuôi tôm và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn, Lê Thị Minh Phụng, lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã có liên quan.
Quang cảnh cuộc họp

Thời gian qua, tuy được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ chính sách xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng diện tích thả nuôi của các doanh nghiệp cũng còn rất hạn chế và thấp nhiều so với các hộ dân (doanh nghiệp chỉ chiếm 23,9% diện tích thả nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh trong năm 2016).
      Kế hoạch trong năm 2017, có 10 doanh nghiệp lớn đăng ký sản xuất nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp với diện tích 883 ha, sản lượng thu hoạch 12.264 tấn (năng suất bình quân 13,9 tấn/ha). Đến thời điểm này, đa số các doanh nghiệp đang cải tạo ao nên diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch còn thấp. Dự kiến trong quý I, các doanh nghiệp sẽ thả giống cho vụ nuôi mới với diện tích 225 ha, sản lượng thu dự kiến 1.961 tấn.
      Hiện nay, một số doanh nghiệp đang áp dụng một số hình thức nuôi để đảm bảo sản lượng đã đăng ký như: nuôi 2 giai đoạn trong ao lót bạt đáy (Công ty Seavina, Trung Sơn); nuôi 3 giai đoạn trong ao lót bạt đáy (Công ty Bim); áp dụng đổ bê tông đáy ao 1.200 m2 (Công ty Thông Thuận); nuôi tôm mật độ thưa vừa sức tải môi trường, mật độ 40-60 con/m2 (Công ty Minh Phú).
      Trao đổi với lãnh đạo tỉnh, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần xử lý dứt điểm tình trạng người dân bao chiếm đất trái phép để doanh nghiệp có thể thả nuôi hết diện tích được giao; đồng thời kiến nghị nạo vét các kênh mương để nâng chất lượng nguồn nước, góp phần đảm bảo giao thông đường thủy; đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ nguồn lao động phổ thông…
     Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng khẳng định lĩnh vực nuôi tôm là một trong những nội dung quan trọng của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và có đóng góp cao trong khu vực 1 trong nhiều năm qua, do đó yêu cầu lãnh đạo các ngành và UBND các huyện có liên quan phải quan tâm chỉ đạo sâu sát để đạt các mục tiêu đề ra. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng cũng phê bình tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu một số ngành, địa phương chưa cao, chưa xử lý quyết liệt, hiệu quả, chậm triển khai các chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm, xử lý tốt nguồn nước để nâng cao chất lượng và phòng chống dịch bệnh trên con tôm; tăng cường công tác kiểm dịch con giống; nghiên cứu tham mưu ban hành chính sách riêng để hỗ trợ phát triển nuôi tôm nước lợ; đổi mới các mô hình để phát huy tiềm năng của từng vùng. Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, yêu cầu UBND cấp huyện phải kiên quyết xử lý, các vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng của tỉnh để xử lý./.

Bùi Kiên

Số lần đọc: 1968
http://vanphong.kiengiang.gov.vn
Tin liên quan