Tin nóng
09.01.2017
Trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, kiểm điểm về công tác chỉ đạo, điều hành; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Vũ Hồng đã có cuộc trao đổi với Website Kiên Giang về những vấn đề nêu trên, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.
Ông  Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh

 P/v: Thưa đồng chí, năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 6,57%, xếp thứ 6/13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là thành quả đáng tự hào, nhất là những tháng đầu năm chúng ta gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán, mặn xâm nhập… Với cương vị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, xin đồng chí nhận xét tổng thể tình hình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà trong năm 2016?
    Đ/c Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh: Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2016 trong bối cảnh nền kinh tế của tỉnh có nhiều thuận lợi và đồng thời cũng phát sinh nhiều khó khăn, thách thức đan xen; đặc biệt là tình hình thời tiết diễn biến phức tạp vượt ngoài khả năng dự báo của cơ quan chuyên môn: Hạn hán, mặn xâm nhập sâu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế tỉnh nhà... nhưng với tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Trung ương, góp phần vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng đạt 6,57% so với năm 2015, đứng thứ 6/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; đầu tư toàn xã hội tăng 5,3%; thu hút thêm 38 dự án đầu tư mới, tăng 26,6%, vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới 1.290 doanh nghiệp, tăng 7,6%; tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; thành lập mới 5.024 hộ kinh doanh cá thể... tổng nguồn vốn thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, dân doanh đạt 27.996,5 tỷ đồng, chiếm 65,61% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 54,57% GRDP của tỉnh; sản lượng lương thực năm 2016 ước đạt 4,151 triệu tấn, sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 715.140 tấn (tăng 5,59% so cùng kỳ); riêng sản lượng tôm nuôi đạt 56.862 tấn (xấp xỉ đạt kế hoạch); vấn đề liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch được đẩy mạnh.
    Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung đầu tư, đã có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt nông thôn mới toàn tỉnh là 28/118 xã, cao hơn mức bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung bình mỗi xã đạt 13,3 tiêu chí, tương đương với mức bình quân chung của cả nước; riêng tiêu chí thu nhập, đã có 104/118 xã đạt chuẩn. Tháng 10/2016, huyện Tân Hiệp được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới, là tỉnh/thành thứ 3 ở Đồng bằng sông Cửu Long có được vinh dự này.
    Văn hóa-xã hội có chuyển biến tiến bộ, đặc biệt tổ chức thành công các chuỗi sự kiện của Năm Du lịch Quốc gia 2016, với 65 sự kiện diễn ra từ Lào Cai đến Cà Mau, riêng Kiên Giang tổ chức thành công 19 sự kiện, qua đó góp phần thu hút khách du lịch đạt 5,41 triệu lượt khách, tăng 24% so với năm 2015. Tổng doanh thu trực tiếp từ các hoạt động du lịch đạt 3.532 tỷ đồng, tăng 41,9% so với năm 2015. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình chính sách và người có công, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, công tác dân tộc, tôn giáo...
    Quốc phòng-an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, đặc biệt chỉ đạo quyết liệt việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện liên thông văn bản điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước đến nay đã kết nối liên thông với Chính phủ, liên thông văn bản điện tử giữa Văn phòng UBND tỉnh với 42 sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố thông qua phần mềm quản lý văn bản và hô sơ công việc, kết nối hoàn thành 15/15 huyện, đạt 145 xã và 327 cơ quan trực thuộc, có thể nói đảm bảo để đưa vào vận hành vào ngày 01/01/2017 theo lộ trình chỉ đạo của Chính phủ.
    Về đầu tư phát triển Phú Quốc, năm 2016 huyện Phú Quốc thu hút thêm 20 dự án, nâng tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn huyện là 248 dự án với diện tích 10.388 ha, ước tổng vốn đầu tư 316.281 tỷ đồng. Trong đó, có 189 dự án được quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đầu tư 212.656 tỷ đồng (gồn 22 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 282.321 tỷ đồng (đã thực hiện 45.731 tỷ đồng). Tính đến nay đã có 29 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 1.878 ha, vốn đầu tư 35.529 tỷ đồng; 26 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích 3.713 ha, vốn đầu tư ước 94.462 tỷ đồng; các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Một số dự án lớn của Phú Quốc đã hoàn thành đưa vào khai thác như: Khu khách sạn Vinpearl (5 sao), khách sạn Novotel (5 sao), khách sạn JW Marriott (5 sao++). Một số dự án lớn đang triển khai như: Dự án cáp treo và quần thể vui chơi giải trí Hòn Thơm, Phú Quốc của Tập đoàn Sungroup; dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Bãi Trường của BIM Group...
    P/v: Theo đồng chí đâu là nguyên nhân chính giúp tỉnh ta đạt được kết quả trên?
    Đ/c Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh: Trước hết là bám sát quan điểm, mục tiêu, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh trong chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của tỉnh; xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và tinh thần quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành; thường xuyên rà soát các nhiệm vụ, gắn với tăng cường kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ ở các ngành và địa phương để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tăng cường đối thoại, tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp; triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, giúp người dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Cùng với sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân... là những nguyên nhân chính giúp tỉnh ta đạt được những kết quả về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trong năm 2016.
    Tôi xin đơn cử một vài nét nổi bật cụ thể như: Trước tình hình bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, mặn xâm nhập gây ra, làm cho khu vực nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng -6,49%, tỉnh đã chủ trương mở rộng diện tích sản xuất lúa và tôm nuôi để bù đắp phần nào thiếu hụt của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể như: Tăng 22.000 ha diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông ở những nơi có điều kiện nhằm bù đắp các vụ lúa bị thiệt hại vừa qua. Tích cực vận động, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ dân và các doanh nghiệp nuôi tôm tăng thêm diện tích và sản lượng tôm nuôi công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên, phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng thêm 82.119 tấn. Chỉ đạo ngành chuyên môn sớm triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp để mở rộng sản xuất như: Giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường cảnh báo dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án hệ thống thủy lợi... Đẩy mạnh việc liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với người dân, đặc biệt là đối với sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản, nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu cung ứng chế biến xuất khẩu. Tăng cường công tác đầu tư xây dựng cơ bản, kêu gọi đầu tư ở các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường công tác quảng bá du lịch nhân sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2016; đẩy mạnh kết nối và mở rộng hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước để thu hút nhiều hơn nữa lượng khách du lịch...
    P/v: Bên cạnh những kết quả đạt được đáng mừng về phát triển kinh tế-xã hội, giữ ổn định quốc phòng-an ninh năm 2016, đồng chí có trăn trở gì trước một số hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành, hiệu lực quản lý, kỷ luật, kỷ cương của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh năm qua?
    Đ/c Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh: Là tỉnh nằm cuối cực Tây Nam của đất nước, xa các trung tâm đô thị lớn, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đầu tư chưa đồng bộ. Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh cũng như các nhiệm kỳ Đại hội trước đều quyết tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông- lâm- ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Bởi lẻ:
    Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp truyền thống phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên (đất đai, nước, khí hậu…); sản phẩm làm ra chất lượng không cao, giá trị cạnh tranh thấp; mọi sự biến đổi của thời tiết, thị trường tiêu thụ làm cho sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro. Mặc dù có nhiều cố gắng trong chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nhưng sự chuyển dịch này còn chậm, làm cho phát triển kinh tế của tỉnh thiếu vững chắc, tình hình hạn hán, mặn xâm nhập sâu trong năm 2016 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của một bộ phận nhân dân; làm cho một bộ phận nông dân đang khó khăn lại càng khó khăn hơn.
    Thứ hai, sự phát triển chưa cân đối giữa các địa phương, chưa phát huy tốt lợi thế riêng có của từng vùng. Những năm gần đây, kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển mạnh chủ yếu chỉ tập trung ở một số đô thị lớn và địa bàn trọng điểm như: Thành phố Rạch Giá, huyện Phú Quốc, thị xã Hà Tiên, Kiên Lương và huyện Châu Thành. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã có nhiều cố gắng trong vận động, kêu gọi đầu tư cùng với sự quan tâm của Trung ương, từ đó hạ tầng giao thông, điện được đầu tư cơ bản, một số dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được đầu tư ở một số huyện như: Châu Thành, Gò Quao, An Biên. Các địa phương còn lại chậm phát triển, chưa có dự án lớn nào được đầu tư để tạo sự đột phá cho các địa phương này, công nghiệp, dịch vụ thương mại kém phát triển, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính. Vì vậy đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn; các dịch vụ công như: Giáo dục, y tế cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống và đời sống tinh thần của người dân còn nhiều hạn chế…
    Thứ ba, trong quản lý nhà nước, cải cách hành chính vẫn chưa đạt như kỳ vọng, thủ tục vẫn còn rườm rà, còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Một số ít cán bộ, công chức vẫn chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước.
    P/v: Năm 2016 đã khép lại, Uỷ ban nhân dân tỉnh đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gì để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh?
    Đ/c Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh:
   Thứ nhất: Tập trung thực hiện 03 khâu đột phá chiến lược, trọng tâm là: (1) Cơ cấu lại đầu tư công; (2) Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; (3) Đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó:
    - Chỉ đạo các ngành và địa phương triển khai nhanh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát huy lợi thế của từng vùng, tiểu vùng; sản xuất phải thích ứng và khai thác tốt những lợi thế từ biến đổi khí hậu; thúc đẩy các giải pháp thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư Trung ương để triển khai hệ thống cống ven biển phòng chống xâm nhập mặn trong những năm tới.
    - Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp... nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển hơn nữa. Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản đảm bảo bền vững.
    - Đẩy mạnh hơn nữa đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, trong đó cần phải làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư; kêu gọi đầu tư các dự án xử lý môi trường,… Bên cạnh đó, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai.
    - Triển khai xây dựng đô thị thông minh, trước mắt thí điểm trên 01 số lĩnh vực bức xúc trong xã hội như: Giao thông, quản lý an ninh trật tự,… tại thành phố Rạch Giá, huyện Phú Quốc, thị xã Hà Tiên.
    Thứ hai: Huy động tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế nhằm phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, với nhiều hình thức. Trong đó, ưu tiên đầu tư nâng cấp mở rộng, xây dựng mới các trục giao thông chính, đối ngoại của tỉnh kết nối với hạ tầng quốc gia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Đường ven sông Cái Lớn, đường đê biển, ven biển; phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy gắn với các cảng sông, cảng biển (Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; Bãi Vòng, Mũi Đất Đỏ, Rạch Giá, Hòn Chông và Hà Tiên). Huy động nhiều nguồn vốn đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã gần đạt 19 tiêu chí.
    Thứ ba: Tăng cường đầu tư mở rộng, nâng cấp các trường đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao, trọng điểm để làm hạt nhân trong công tác đào tạo cho từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là cho du lịch; trọng tâm là công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là cho các địa bàn trọng điểm như Phú Quốc, các nhà máy, xí nghiệp,… Khuyến khích xã hội hóa về giáo dục và đào tạo và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực y tế, nhằm bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời chấn chỉnh lề lối, tác phong, thái độ phục vụ trong công tác khám, chữa bệnh. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm quá tải bệnh viện.
    Thứ tư: Tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, nhất là không để xảy ra các vụ việc tranh chấp ngư trường phức tạp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là địa bàn biên giới, biển đảo.
    Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết có hiệu quả các vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng.
    Tăng cường hoạt động đối ngoại và ngoại giao nhân dân; mở rộng hợp tác quốc tế để xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư.
    Thứ năm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử.
    Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên các lĩnh vực gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
    P/v: Xin cảm ơn đồng chí !

Võ Tự

Số lần đọc: 1817
http://vanphong.kiengiang.gov.vn
Tin liên quan