Tin nóng
22.01.2014
Sáng 22-01, hai cây cầu vượt sông Cái Bé và sông Cái Lớn (hợp phần tuyến Minh Lương – Thứ Bảy thuộc tuyến Minh Lương – Thứ Bảy của Dự án đường hành lang ven biển phía Nam) đã chính thức thông xe, vượt tiến độ hơn 70 ngày. Có thể nói đây chính hai cây cầu mà bà con vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) đã hằng mơ ước từ bao đời nay.

30 năm phà Tắc Cậu

Bà Nguyễn Thị Diệp – hậu duệ đời thứ tư trong gia đình có tới năm thế hệ làm nghề đưa đò trên bến Tắc Cậu – cho biết mới lên tám tuổi bà đã nối nghiệp nhà đội nón lá thót lên, thót xuống để đưa khách sang sông. Lúc đó vùng này hoang vu lắm. Bên phía đầu lộ Tắc Cậu chỉ có nhà máy kiêm chành lúa Vạn Nguyên của ông chủ người Hoa tên Lý Mận và bến xe đò Tắc Cậu là lớn nhứt.

 

Theo lời bà Diệp, bà con vùng “Miệt Thứ” (tên người dân quen gọi các huyện vùng U Minh Thượng) muốn ra chợ Tắc Cậu hoặc chợ Minh Lương (huyện Châu Thành), hay xa hơn như chợ Rạch Sỏi, chợ Rạch Giá (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) thì phải đi xuồng tới gần căn cứ hải quân chế độ cũ (nay là Hải đoàn Biên phòng 28) rồi dừng lại, đi đò dọc qua bên Tắc Cậu mới có xe đò đi tiếp.

Bà Diệp nhớ lại – lúc còn đò chèo trước những năm 1970, mỗi bận đò ngang từ bến Tắc Cậu qua bên xóm Chợ (cù lao giữa hai dòng sông Cái Bé, Cái Lớn nay là hai ấp An Ninh và An Thành thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành) và xóm rẫy (nay là ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hoà Phú, Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) mỗi người chỉ tốn một cắc (mười cắc mới bằng một đồng).

Theo lời ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc xí nghiệp phà Tắc Cậu - Xẻo Rô trực thuộc Sở Giao thông vận tải Kiên Giang – trước giải phóng, quốc lộ 63 ngày nay chỉ là con đường mòn. Dần dần kinh tế - xã hội phát triển, hoạt động đi lại buôn bán, vận chuyển hàng hoá của bà con ngày càng tấp nập, con đường mòn trước đây được nâng cấp trở thành đường tỉnh 19 U Minh, rồi sau đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và cuối cùng mới mang tên quốc lộ 63.

“Đường rộng thì xe nhiều, xe nhiều thì đò phải đủ lớn, nhưng lớn mấy cũng khó chở được xe ô tô vượt sông an toàn. Vậy là bến phà hình thành như một nhu cầu tất yếu của xã hội” – ông Hải nói.

Nói về thời điểm kết thúc nghiệp đưa đò ngót nghét trăm năm của dòng họ mình, bà Diệp – cho biết năm 1981 chính quyền xét thêm cho ông Huỳnh Bún cùng đưa đò. Lúc này hai nhà chia nhau một ngày làm thì một ngày nghỉ nhường cho nhà kia. Tới năm 1997 xã chỉ định một người nữa chạy đò, vậy là có tổng cộng ba gia đình làm nghề đưa đò. Năm 2001, xã đưa bến đò ra đấu giá, nhà bà Diệp không có đủ 50 triệu đồng thế chân nên đành ngậm ngùi bỏ nghề đưa đò vốn đã gắn bó cả năm thế hệ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – cho biết thêm, năm 1984 tỉnh quyết định thành lập bến phà Tắc Cậu để vận chuyển người và phương tiện vượt sông an toàn hơn so với đò. Ban đầu bến phà trực thuộc công ty cầu đường, sau chuyển về xí nghiệp bến xe – tàu - phà, sau nữa chuyển về đoạn quản lý giao thông đường bộ, tới năm 2006 mới chính thức thành lập Xí nghiệp phà Tắc Cậu - Xẻo Rô.

Vào thời điểm năm 1984 chỉ có phà nhỏ loại 18 tấn, giữa thập niên 1990 mới có phà 25 tấn. Sau năm 2000 mới có phà 30 tấn, 40 tấn, 50 tấn và hiện nay tải trọng phà lớn nhất là 60 tấn.

Cũng theo ông Hải, chỉ tính số liệu thống kê từ năm 2001 – 2013 thì bến phà Tắc Cậu đã vận chuyển hơn 30 triệu lượt hành khách, hơn 20 triệu lượt xe gắn máy, hàng triệu lượng xe ô tô và xe tải các loại. Riêng từ đầu năm tới nay, 10 chiếc phà của xí nghiệp đã chạy tổng cộng 111.806 chuyến, số phút bình quân mỗi tua qua lại là 35 phút.

Theo đề án giải thể xí nghiệp phà của Sở GTVT Kiên Giang thì hiện bến phà còn thiếu phần kinh phí hoạt động của năm 2012 là hơn 9,2 tỉ đồng, dự kiến kinh phí thiếu từ đầu năm 2013 đến lúc phà dừng chạy là hơn 12,3 tỉ đồng. Để xử lý số tiền này, Tổng cục đường bộ đã có văn bản xử lý bằng cách trích quỹ bảo trì đường bộ cấp bù phần kinh phí thiếu năm 2012. Còn phần thiếu của năm 2013 tới khi chấm dứt hoạt động bến phà Tổng cục cũng sẽ kiến nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục trích quỹ bảo trì đường bộ để xử lý dứt điểm.

“Hổm rày phà hư tôi đã phải hối thúc cho sửa chữa để kịp đưa đón hành khách, phương tiện qua sông. Tết tới bà con qua lại nhiều lắm, cho nên hư một chiếc là kẹt xe kéo dài hàng cây số. Ngày nào tôi cũng xuống bến động viên anh em ráng làm tốt công việc của mình, cho dù chỉ ít hôm nữa thôi là chia tay đường ai nấy đi. Đất nước ngày càng phát triển mà phải không nhà báo, tôi chỉ mong tới lúc cả vùng ĐBSCL mình không còn bến phà nào nữa” – ông Hải nói.

Đánh thức tiềm năng cả vùng U Minh Thượng

Trên chuyến phà Tắc Cậu chiều đầu năm 2014, gần như tất cả mọi người không ai bảo ai đều hướng bao ánh mắt háo hức ngắm nhìn hai cây cầu uốn lượn lên xuống như thân rồng ẩn hiện giữa màu xanh bạt ngàn dừa nước vượt đôi dòng Cái Bé, Cái Lớn.

Ông Nguyễn Lương Hiền (74 tuổi) – thương binh phục viên, ngụ ấp Bảy Xáng, xã Đông Hoà (huyện An Minh) – hồ hởi cho biết từ khi nhìn thấy mấy cái trụ bê tông mọc lên sừng sững giữa hai dòng sông, bà con vùng “Miệt Thứ” ai cũng mừng hết. Mỗi bận qua phà lại ngóng nhìn coi mấy cái trụ, rồi cây cầu “mọc” ra tới đâu rồi. Giờ nghe nói sắp sửa được qua cầu thì bà con mình phấn khởi lắm.

Ông Trần Hoàng Mẫm – Phó Bí thư Huyện uỷ An Biên – cũng khẳng định có hai cây cầu vượt sông Cái Bé và Cái Lớn, thì có thể nói ước mơ bao đời nay của bà con vùng căn cứ cách mạng này đã trở thành hiện thực.

“Chưa tính tới chuyện mở rộng cả tuyến quốc lộ 63, chỉ riêng việc có hai cây cầu vượt sông để khỏi phải qua phà thôi cũng sẽ đánh thức tiềm năng to lớn của cả vùng U Minh Thượng, chứ không riêng gì huyện An Biên” – ông Mẫm nói.

Theo ông Mẫm, sau khi thông xe cả hai cây cầu, thì hàng hoá nông – lâm - thuỷ sản của bà con sẽ được vận chuyển nhanh chóng hơn, toả đi nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Huyện An Biên đã có kế hoạch đón đầu tận dụng lợi thế mới bằng cách đầu tư tuyến đường 964 nối bốn xã ven biển (Tây Yên, Nam Yên, Nam Thái và Nam Thái A) với trung tâm huyện. Cả bốn xã này đều là “vựa” nuôi trồng thuỷ sản nước mặn ven biển trọng điểm của cả tỉnh.

Ngoài ra, một cụm công nghiệp quy mô 60 ha cũng sẽ sớm được đầu tư ven bờ sông Cái Lớn. Dự kiến tại đây sẽ có các ngành nghề: Đóng tàu thuyền, chế biến thuỷ sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… Riêng khu đô thị - trung tâm thương mại Thứ Bảy, vốn toạ lạc ngay giao điểm trung tâm của vùng U Minh Thượng, chắc chắn sẽ trở thành trung tâm thương mại đầu mối của cả vùng.

Ông Lê Minh Hoàng – Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Kiên Giang – cũng lạc quan bày tỏ hi vọng sẽ sớm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái của vùng U Minh Thượng, nhất là du lịch sinh thái dưới tán rừng nguyên sinh ngập nước.

“Giao thông thuận tiện thì chắc chắn du khách trong nước và quốc tế sẽ tìm tới một trong những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất ĐBSCL – rừng ngập mặn U Minh Thượng – này. Vấn đề hiện nay là hạ tầng du lịch chưa được hoàn thiện. Chúng tôi đã nhận thấy điều này và sẽ tập trung đầu tư trong thời gian tới. Ngoài tiềm năng du lịch sinh thái, thì vùng U Minh Thượng còn là một trong những vùng căn cứ cách mạng trọng điểm suốt cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cho nên song song với du lịch sinh thái thì du lịch khám phá, tìm hiểu lịch sử theo cách về nguồn cũng sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn” – ông Hoàng nói./.

Bài, ảnh: Hoài Anh

Số lần đọc: 2083
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan