Tin nóng
10.10.2014
Sáng ngày 09/10/2014, tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, ông Trần Minh Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì buổi làm việc để nghe UBND tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2014 và đề xuất kiến nghị một số vấn đề với Quốc hội, Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Sản xuất lúa bằng giống xác nhận - Ảnh minh họa (H.Anh)

Cùng tham dự cuộc họp có các vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị tỉnh Kiên Giang; ông Đào Nghĩa Nghiêm, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Khắc Ghi, Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Trưởng ban, Phó Trưởng ban chuyên trách các Ban HĐND của tỉnh; lãnh đạo Văn phòng: Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe bà Nguyễn Thị Kim Bé – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Kiên Giang trình bày báo cáo ý kiến kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII; và nghe bà Lê Thị Hồng Vân - Chánh Văn phòng UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2014 của UBND tỉnh và một số vấn đề kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ. Theo đó, nội dung các kiến nghị của UBND tỉnh có liên quan đến 3 lĩnh vực chính, gồm Kinh tế, Văn hóa – Xã hội và Xây dựng chính quyền, trong đó nổi bật có một số nội dung kiến nghị như sau:

- Đề nghị Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm theo Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Đề nghị Chính phủ thành lập Viện Nghiên cứu thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giúp các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh phát triển tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thuỷ sản nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, phát triển ổn định và bền vững, nhất là nuôi tôm nước lợ, cá tra, cá biển, các loài nhuyễn thể (sò huyết, sò lông, nghêu, ốc hương, trai ngọc). Viện Nghiên cứu thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản tập trung vào công tác chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; quan trắc cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh thủy sản.

- Theo Quyết định số 2194/QĐ-TTG ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, theo đó tỷ lệ dùng giống xác nhận hoặc tương đương trong sản xuất đối với cây lúa phải đạt 70 - 85% và chấm dứt tình trạng các hộ gia đình tự sử dụng lúa thương phẩm làm giống. Ngày 01/3/2012 các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Đề án, tuy nhiên hướng dẫn này lại không có quy định về hỗ trợ kinh phí cho nông dân sử dụng giống xác nhận hoặc tương đương trong sản xuất đối với cây lúa, do đó mục tiêu đề ra của Đề án là không khả thi. Do đó, kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các hộ nông dân sử dụng giống xác nhận.

- Việc thực hiện Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo hiện nay có một số bất cập. Do đó, đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 theo hướng không phân biệt viên chức đang trực tiếp giảng dạy hay đang công tác ở lĩnh vực khác như: Thư viện, thiết bị, văn thư, thủ quỹ; theo đó các đối tượng này đều được hưởng phụ cấp thâm niên như nhau nhằm đảm bảo tính công bằng, không tạo tâm lý so bì trong nội bộ viên chức ngành giáo dục và an tâm công tác lâu dài.

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm bổ sung 09 xã đảo (Nam Du, Lại Sơn, An Sơn, Hòn Tre, Sơn Hải, Hòn Nghệ, Tiên Hải, Hòn Thơm, Thổ Châu) của tỉnh Kiên Giang vào danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo để cán bộ, công chức, viên chức ở những nơi này được hưởng các chế độ chính sách theo quy định.

- Kiến nghị Chính phủ: Sớm có chiến lược hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh; đổi mới quá trình đề xuất, thẩm định, lựa chọn và đánh giá một đề tài hay dự án đổi mới công nghệ; đổi mới và tổ chức hợp lý hơn việc cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp và làm thế nào để đông đảo các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin.

- Hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (nơi có tổ chức Hội đồng nhân dân). Mặt khác Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân không quy định trình tự, thủ tục để xem xét xử lý kỷ luật cán bộ. Do đó, kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày17/3/2005 quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức (còn hiệu lực 01 phần) để các địa phương tổ chức thực hiện được thuận lợi và phù hợp với thực tiễn đang đặt ra đối với vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ hiện nay.

- Hiện nay quy định về điều kiện xét chuyển viên chức thành công chức có sự bất cập, thiếu sự nhất quán và thống nhất: Tại khoản 1, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trong đó quy định về điều kiện để được xét chuyển từ viên chức thành công chức (người đứng đầu đơn vị sự nghiệp) phải là người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, trong khi đó theo Thông tư số 17/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì quy định chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non (người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập) chỉ cần trình độ trung cấp. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan để đảm bảo sự thống nhất và nhất quán trong việc áp dụng các văn bản pháp luật.

- Theo quy định tại khoản 3 điều 20 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có quy định về điều kiện để công chức được cử tuyển đi đào tạo sau đại học là: Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo, như vậy theo quy định này thì nhiều nơi không đáp ứng theo chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch đào tạo của địa phương, đặc biệt là đối với cấp huyện. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh nâng lên độ tuổi của công chức được đưa đi đào tạo sau đại học từ 40 tuổi hiện nay lên 45 tuổi để những cán bộ, công chức có thâm niên cống hiến đủ điều kiện để đi học./.

Huỳnh Bích

Số lần đọc: 2033
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan