Tin nóng
10.07.2014
Trong ngày làm việc thứ 2 diễn ra hôm qua 08-7, Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Kiên Giang khoá VIII đã tập trung thảo luận tại tổ. Qua các phiên thảo luận, nhiều đại biểu tiếp tục nêu ý kiến đặt ra các vấn đề kinh tế - xã hội cần phải xử lý rốt ráo từ nay tới cuối năm và các năm tiếp theo.
Các đại biểu thống nhất kiến nghị tăng cường đầu tư để phát triển kinh tế biển mạnh mẽ hơn nữa (ảnh – H.Anh).

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình thực hiện thu chi ngân sách, xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, bàn thảo về kết quả và nguyên nhân tồn tại của tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT–XH 6 tháng đầu năm 2014, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.

Trong đó các đại biểu đã đi sâu phân tích, thảo luận tìm ra những giải pháp để giải quyết các lĩnh vực còn khó khăn như nuôi tôm công nghiệp, xuất khẩu gạo, các dự án phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn… Thảo luận xung quanh các giải pháp thoát nghèo, về bao tiêu sản phẩm, thu mua tạm trữ lúa cho dân, về kế hoạch sản xuất lúa vụ 3, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Xoay quanh việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn, nhiều đại biểu cho rằng thời gian qua việc tham gia liên kết 4 nhà chưa tốt, đề nghị UBND tỉnh cần có chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, tăng cường liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản.

Về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh nên vào cuộc; thực hiện các giải pháp từ việc giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện các chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến rà soát cắt giảm các thủ tục tại các ngân hàng để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ vay vốn để tái tạo sản xuất.

Xoay quanh việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nhiều đại biểu cho rằng thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Hiện còn 23 xã chưa có trường mầm non riêng biệt và trang thiết bị dạy học. Trong khi đó nhu cầu gửi trẻ không ngừng tăng lên, kể cả ở các khu đô thị và nông thôn, tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn còn phổ biến. Toàn tỉnh thiếu gần 900 giáo viên, trong đó có 700 là giáo viên mầm non.

Cũng liên quan đến giáo dục và đào tạo, đại biểu Nguyễn Thị Hoàng Quyên – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật cho rằng: Một vấn đề thực tế đặt ra là sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không tuyển đủ số lượng lao động theo nhu cầu. Vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề, gắn đào tạo vào các ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh thông tin tuyển dụng đến người lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động. Đồng thời, tăng cường đầu tư trang thiết bị vật chất cho các trường đào tạo nghề.

Riêng về tình hình triển khai thực hiện chương trình kinh tế biển của tỉnh, các đại biểu đã đi sâu phân tích về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế. Theo đó nhiều đại biểu cho rằng qua hơn 6 năm thực hiện, tình hình kinh tế xã hội vùng ven biển, hải đảo có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động kinh tế biển có bước phát triển.

Cơ cấu kinh tế biển có sự chuyển biến rõ nét, nhất là khu vực dịch vụ từ 36,5% năm 2010 lên 44,8% năm 2013. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế biển bình quân hàng năm đạt trên 12%, tuy nhiên chưa tương xứng so với điều kiện và tiềm năng phát triển kinh tế biển; đầu tư phát triển công nghiệp còn nhiều hạn chế, kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo chưa đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế biển nhất là hạ tầng về giao thông, điện, nước.

Trước tình hình này, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần tái cơ cấu ngành kinh tế biển, ban hành một số cơ chế tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu gắn liền quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo, khu du lịch sinh thái biển, đảo; hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng chế biến thủy sản, xây dựng các mô hình sản xuất trên biển.

Các đại biểu cơ bản cũng đồng tình với các tờ trình, báo cáo của HĐND, UBND và các sở ban ngành. Các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, lãnh đạo hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp mà UBND tỉnh đã xác định 6 tháng cuối năm 2014, trong đó cần tập trung vào các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đầu tư phát triển, công nghiệp- xây dựng, xuất khẩu, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh…

Hoài Anh

Số lần đọc: 1886
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan