Tin nóng
28.08.2014
Ngày 27-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Khắc Ghi đã chủ trì buổi làm việc với đại diện 8 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh để nghe báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm, bàn giải pháp cho những tháng còn lại. Cùng dự còn có lãnh đạo Sở Công thương, Sở NN&PTNT và đại diện một số ngân hàng thương mại.
Phó Chủ tịch Lê Khắc Ghi phát biểu chỉ đạo (ảnh – H.Anh).

Ông Huỳnh Văn Gành – Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang – cho biết tính đến thời điểm hiện tại 8 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh đều báo cáo tình hình xuất khẩu khá ảm đạm. Giá trị kim ngạch chỉ đạt 188,977 triệu USD, tương đương khoảng 43% kế hoạch năm 2014 và giảm tới 31,84% so với cùng kỳ 2013.

“Tuy nhiên, có điểm lạ so với các năm trước là trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm, thì giá lúa lại ổn định ở mức tăng khá cao và lượng lúa tồn kho tại các doanh nghiệp cũng như hộ nông dân đều không còn. Nguyên nhân của hiện tượng này do phần lớn sản lượng lúa gạo đã được tiêu thụ nội địa và xuất bán qua đường tiểu ngạch” – ông Gành nói.

Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu kêu không mua được lúa hàng hóa để xuất khẩu, thì theo Sở Công thương, trong hơn 2 tháng qua, giá lúa gạo trong tỉnh tăng liên tiếp và đang ở mức khá cao. Cụ thể, giá bình quân lúa khô mua tại ruộng đối với lúa thường hiện ở mức 5.742 đ/kg, lúa dài 5.975 đ/kg (cao hơn cùng kỳ 2013 khoảng 400 – 500đ/kg).

Dự kiến, tổng sản lượng lúa năm 2014 sẽ vào khoảng 4,7 triệu tấn. Như vậy, năm nay nông dân thắng lớn vì vừa trúng mùa, vừa được giá. Căn cứ tình hình thực tế có thể kết luận lúa gạo thắng lớn nhờ thị trường nội địa.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương định hướng cho các doanh nghiệp tập trung khai thác tối đa thị trường trong nước, tránh tình trạng quá phụ thuộc vào các thị trường truyền thống mà điển hình là Trung Quốc với khả năng tiêu thụ tới 30% tổng lượng xuất khẩu của Kiên Giang.

Về tình hình tài chính, tín dụng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang thì tổng dư nợ của các doanh nghiệp hiện đã vượt gấp nhiều lần giá trị tài sản đảm bảo. Do đó, Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các doanh nghiệp vốn nhà nước hoặc vốn nhà nước chi phối phải có biện pháp thoái vốn đầu tư ngoài ngành để giảm tổng dư nợ.

“Vốn vay ngắn hạn phục vụ kinh doanh, mua bán gạo mà anh đem đi đầu tư bất động sản là chết. Nhiều tập đoàn lớn đầu tư ngoài ngành đã phải chuốc lấy thất bại nặng nề. Cho nên tôi đồng tình với kiến nghị của các ngân hàng, anh nào đầu tư sai chức năng, ngành nghề tỉnh sẽ xử lý nghiêm” – Phó Chủ tịch Lê Khắc Ghi nhấn mạnh./.

Hoài Anh

Số lần đọc: 1885
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan