Tin nóng
26.01.2015
Ngày 22/01, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn chủ trì tại điểm cầu Kiên Giang (ảnh).

Đến hết năm 2014, có 785 xã đạt chuẩn (8,8%), 1.285 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí (14,5%), 2.836 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí (32,1%), 2.964 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí (33,6%), 945 xã đạt dưới 5 tiêu chí (11%) và không còn xã trắng tiêu chí. Bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38% tiêu chí/xã so với năm 2010. Hiện nay có đơn vị cấp huyện là Xuân Lộc và Long Khánh của tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với các xã điểm xây dựng nông thôn mới, trong 11 xã điểm của Ban Bí thư Trung ương hiện có 09 xã đã đạt được 19 tiêu chí. Riêng 02 xã Thanh Chăn (Điện Biên) và Định Hòa (Kiên Giang) chưa đạt chuẩn. Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang đang nỗ lực chỉ đạo để các xã này về đích trong quý I/2015. Riêng xã Thanh Chăn thì chưa thể về đích năm 2015 do xuất phát điểm thấp và nhiều tiêu chí chưa đạt, nhất là về tiêu chí an ninh trật tự.

Năm 2014, nhất là sau hội nghị sơ kết toàn quốc tháng 5/2014, phong trào xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến mạnh mẽ hơn; hầu hết các tỉnh trước đây chưa quan tâm đúng mức hoặc chưa có xã đạt chuẩn đều đã tổ chức hội nghị đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục, phấn đấu đạt tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới cao vào cuối năm 2015. Các địa phương đã quan tâm hơn và tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm, bức xúc trên địa bàn và có nhiều cơ chế chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện, nhờ đó tốc độ đạt tiêu chí của các xã tăng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân được các địa phương quan tâm xây dựng, nâng cấp; bộ mặt nông thôn cũng có nhiều đổi mới, thu nhập của dân cư nông thôn tăng nhanh hơn.

Bên cạnh đó, trong thực hiện cũng còn tồn tại nhiều hạn chế nhất định như: Một số bộ, ngành Trung ương chưa thực sự quan tâm đến nhiệm vụ được phân công nhất là theo dõi, chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí của từng bộ, ngành ở các địa phương để đôn đốc, chỉ đạo và đề xuất điều chỉnh bổ sung phù hợp với thực tiễn của các địa phương. Một số văn bản của Trung ương ban hành còn chậm, thiếu chủ động đề xuất cơ chế, chính sách điều chỉnh bổ sung cho kịp thời; phù hợp với những vùng, miền còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Ở một số địa phương cò khoán trắng cho Văn phòng điều phối và xã thực hiện; thiếu sự kiểm tra, đôn đốc thực hiện, chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, chưa phân công rõ trách nhiệm từng thành viên Ban Chỉ đạo. Bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp chưa được kiện toàn tổ chức theo hướng hệ thống và chuyên nghiệp nên hiệu quả công tác tham mưu còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp và của tổ chức quốc tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế.

Trong năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành 20% số xã đạt chuẩn; đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 03 xã đạt chuẩn trở lên; có trên 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành kế hoạch tổ chức sơ kết giai đoạn 2011-2015 và phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ của năm 2015 cũng như 5 năm tới các cấp ủy đảng, chính quyền phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Phải coi việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; phải có chương trình, kế hoạch, lộ trình hành động cụ thể, có kiểm tra, đôn đốc, có sơ kết, có uốn nắn, rút kinh nghiệm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới; cán bộ nào thực hiện thiếu trách nhiệm phải thay thế ngay. Cùng với đó, phải xây dựng kế hoạch về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 gắn với Đại hội Đảng các cấp. Tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách phù hợp hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn, trước tiên là chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính đủ mạnh của chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và đầu tư sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn. Đồng thời, phải có chính sách liên kết hợp tác đa dạng giữa người nông dân và doanh nghiệp đầu vào, doanh nghiệp đầu ra; chính sách dạy nghề để chuyển dịch lao động theo hai hướng, một hướng là làm nông nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn và hướng thứ hai là làm công nghiệp và dịch vụ. Tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí về nông thôn mới; phải xác định rõ được nhóm tiêu chí cứng, nhóm tiêu chí cơ bản… tinh thần chung là không chạy đua theo thành tích, hình thức mà hạ thấp tiêu chí. Đối với những xã, huyện đã đạt 19 tiêu chí phải tiếp tục phấn đấu, tiếp tục vươn lên bởi mục tiêu không phải để đạt thành tích mà là sự nghiệp chung, là sự phát triển bền vững nông thôn, là tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của đất nước.

* Tại Kiên Giang, đến tháng 12/2014 bình quân đạt 11,14 tiêu chí/xã, tăng 5,64 tiêu chí, riêng 35 xã giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 14,4 tiêu chí/xã, tăng 8,9 tiêu chí so với trước khi triển khai chương trình. Cuối năm 2014 có 09 xã đạt 19 tiêu chí, đạt 7,6%. Phấn đấu đến cuối năm 2015 có 18/118 xã và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 15,3%.

Trung Kiên

Số lần đọc: 1727
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan