Tin nóng
13.08.2014
Sáng 13-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đặng Tuyết Em đã chủ trì hội nghị thông qua kế hoạch đào tạo lao động có tay nghề phục vụ các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Đào tạo nghề tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang (ảnh – H.Anh).

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, đến nay toàn tỉnh có 28 cơ sở dạy nghề. Trong đó có 8 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, 6 trung tâm có tham gia dạy nghề của tổ chức chính trị - xã hội, 9 trung tâm giáo dục thường xuyên và 5 cơ sở dạy nghề của hội nghề nghiệp.

Theo số liệu thống kê và kết quả điều tra cung ứng lao động năm 2013, toàn tỉnh có 1.159.335 lao động. Tỉ lệ thất nghiệp chiếm 2,55%, tương đương với 27.674 lao động. Ngoài ra, số lao động không hoạt động kinh tế tại các địa phương cũng đang chiếm tỉ trọng rất cao lên tới 28,7% so với tổng số lao động. Đây sẽ là nguồn có khả năng tham gia vào thị trường lao động sắp tới.

Dự báo, tổng cung lao động giai đoạn 2014 – 2019 của tỉnh sẽ vào khoảng 130.000 người, trong đó bao gồm cả lao động có tay nghề và lao động phổ thông.

Về nhu cầu lao động trong tương lai gần, kết quả khảo sát gần nhất cho thấy cần khoảng gần 34.000 lao động, trong đó lao động phổ thông khoảng 15.000, qua đào tạo nghề khoảng gần 17.000. Một số dự án cần nhiều lao động là Nhà máy giày TBS tại khu công nghiệp Thạnh Lộc cần 5.000 lao động, khu công nghiệp Tắc Cậu giai đoạn I cần 14.000 lao động…

Dự kiến kế hoạch sẽ chia thành ba giai đoạn thực hiện từ nay đến hết năm 2019. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 178 tỉ đồng, bình quân mỗi năm chi khoảng 29,7 tỉ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ mỗi năm khoảng 10 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương./.

Hoài Anh

Số lần đọc: 2009
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan