Tin nóng
16.09.2016
Ngày 9/9, tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ Nông nghiệp - Pháp triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức Hội thảo liên kết, hợp tác sản xuất nông sản chủ lực tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các Viện chức năng, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ và một số nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự.
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận quy hoạch, khai thác tiềm năng, lợi thế sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị; định hướng liên kết, hợp tác phát triển hệ thống thủy lợi, sử dụng nguồn nước cho sản xuất và dân sinh, phát triển nông nghiệp, thủy sản bền vững vùng Tứ giác Long Xuyên. Hình thành những tiểu vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, cho hay liên kết tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên là liên kết phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và thủy lợi; bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên nước; quy hoạch vùng sản xuất; kêu gọi hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch; xây dựng chuỗi ngành hàng, thương hiệu nông sản; khuyến nghị chính sách chung cho tiểu vùng trong tái cơ cấu nông nghiệp theo kịch bản nâng cao sinh kế và ứng phó biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Các sản phẩm lúa gạo, thủy sản và công nghệ chế biến nông sản xuất khẩu được xác định là ngành hàng chủ lực của tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên. Trong ứng phó với biến đổi khí hậu để sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả ở vùng này là tập trung giải quyết vấn đề thoát lũ, nguồn nước tưới và ngăn mặn, với định hướng phát triển thượng nguồn để trữ nước, điều tiết lũ thông qua hệ thống thủy lợi đê biển Tây.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phân viện Quy hoạch - Thiết kế nông nghiệp (Bộ nông nghiệp - Phát triển nông thôn), quy hoạch các tiểu vùng sản xuất trên vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: Tiểu vùng Bảy Núi hướng chuyển đổi phát triển lúa 2 vụ, lúa - màu, cây ăn trái (xoài, chuối); tiểu vùng Bắc Ba Thê - Tri Tôn hạn chế tăng lúa vụ 3 để đảm bảo thoát lũ và tăng lúa - màu, ổn định diện tích lúa - tôm (Giang Thành); tiểu vùng Nam Ba Thê - Tri Tôn tăng diện tích lúa - màu, tăng lúa vụ 3 phù hợp với dự báo lũ và thị trường lúa gạo; tiểu vùng ven biển Tây ổn định diện tích nuôi tôm, tăng diện tích lúa - tôm, trồng rừng ngập mặn ven biển.

Gieo sạ lúa Hè Thu trên vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang).

Trên cơ sở đó, các tỉnh quy hoạch phát triển ngành thuộc tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, trong đó chú trọng đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu, xác định quy mô, thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý của các địa phương trong vùng. Xác định phạm vi, địa điểm, quy mô để xây dựng cụm liên kết ngành lúa gạo và chế biến thủy sản gắn kết với các vùng chuyên canh. Xác định các chuỗi giá trị chính và cơ chế phối hợp sản xuất, chế biến hàng hóa nông sản xuất khẩu giữa các doanh nghiệp chủ lực với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại…

Các đại biểu thống nhất liên kết hợp tác sản xuất nông sản chủ lực tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, đồng thuận đưa ra các giải pháp chung về quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể là phát triển kinh tế hợp tác, trang trại, doanh nghiệp; phát triển thông tin thị rường, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, nhất là các sản phẩm xuất khẩu; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chuỗi cung ứng cho từng sản phẩm; hỗ trợ nông dân sử dụng giống tốt, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nghề cho nông dân; đầu tư hệ thống thủy lợi kết hợp với giao thông và điện đồng bộ tới các vùng sản xuất tập trung… Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Liên kết hợp tác sản xuất nông sản chủ lực tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa nông sản số lượng lớn, đồng bộ, chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Liên kết vùng để giải quyết những vấn đề mà một địa phương không thể giải quyết được như: biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn, quản lý, kiểm soát và điều tiết nguồn nước, tài nguyên đất đai; bảo vệ môi trường… Để liên kết, hợp tác này đạt hiệu quả cần phải thành lập Ban Chỉ đạo tiểu vùng để điều phối, tổ chức triển khai thực hiện.

Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nằm trên địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ cớ tổng diện tích tự nhiên gần 500.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 350.000 ha. Đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng bình quân 5 triệu tấn/năm. Cùng với đó, vùng Tứ giác Long Xuyên đang phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, cá lóc…

Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và ứng phó với biến đổi khí hậu thì việc phát triển liên kết vùng trở nên cấp thiết ở Đồng bằng sông Cửu Long. “Liên kết hợp tác sản xuất nông sản chủ lực tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên nhằm tạo lợi thế kinh tế quy mô, phát huy lợi thế cạnh tranh và cân đối lợi ích giữa các tỉnh, phát triển các ngành kinh tế đồng bộ và toàn diện theo hướng chất lượng, bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân.” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định./.

Bài và ảnh: Lê Huy Hải

Số lần đọc: 2905
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan