Tin nóng
13.09.2017
8 tháng đầu năm nay, tỉnh Kiên Giang đã cấp giấy chứng nhận thành lập mới 1.047 doanh nghiệp, tăng 24% so cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký hơn 12.300 tỷ đồng, tăng 60% so cùng kỳ năm 2016, nâng tổng số lên 7.383 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực. Tỉnh tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân, trở thành động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chế biến thủy sản xuất khẩu là ngành có thế mạnh của tỉnh - Ảnh minh họa

Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, phát huy mặt tích cực có lợi của kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kiên Giang thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của địa phương. Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GRDP, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn các mặt tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh nhằm trục lợi bất chính. Tỉnh phấn đấu có 8.000 - 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động đến năm 2020, 12.000 doanh nghiệp đến năm 2025 và hơn 15.000 doanh nghiệp đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phấn đấu tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP đến năm 2020 - 2030 đạt 85 - 90%, bình quân giai đoạn từ nay đến năm 2025, năng suất lao động tăng 4 - 5%/năm. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia hướng đến sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp tham gia cùng sản xuất nông nghiệp, nhất là sản phẩm công nghệ cao.
Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; đồng thời rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư lĩnh vực, dự án ưu tiên phát triển của tỉnh để doanh nghiệp tham gia. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề để tạo nguồn lao động tại chỗ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại khu vực nông thôn và tạo nguồn tiềm năng cho khởi sự doanh nghiệp. Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển về số lượng, chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tỉnh hoàn thiện và công khai minh bạch các thông tin kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư, thủ tục hành chính, các lĩnh vực, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư… để người dân, doanh nghiệp biết, khai thác, sử dụng, phục vụ cho xây dựng và quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh, tham gia đầu tư phát triển.
Tiếp đến, tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn, đất đai, công nghệ, chính sách ưu đãi và cơ hội kinh doanh. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận, khai thác các cơ hội trong hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và thương mại quốc tế. Xóa bỏ các rào cản bất hợp lý đối với kinh tế tư nhân khi tham gia thương mại, đầu tư quốc tế.
Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Cụ thể là đẩy mạnh đầu tư, phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, đội ngũ các nhà khoa học của tỉnh; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ mới. Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân trên địa bàn nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, tỉnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, quy hoạch và phát triển đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, có đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm cao với xã hội.
Năm 2016, toàn tỉnh có 6.336 doanh nghiệp đang hoạt động, gần 80.000 hộ kinh doanh cá thể với trên 11.000 doanh nhân hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh chiếm 87% GRDP.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều những bất cập, hạn chế nhất định; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, với hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa có mức vốn dưới 10 tỷ đồng; 95% kinh tế hộ gia đình, cá thể có mức vốn từ 50 - 100 triệu đồng, thiếu liên kết với nhau trong quá trình hoạt động kinh doanh. Sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ chưa cao, thiếu kỹ năng quản trị cơ bản vể quản lý sản xuất, bán hàng, quản lý tài chính, huy động vốn, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp. Một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh chưa có ý thức cao trong chấp hành pháp luật, còn vi phạm các quy định về thuế, sử dụng lao động và bảo vệ môi trường. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế về vốn, quy mô, kiến thức, khoa học công nghệ và kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thiếu thông tin thị trường, hạn chế trong xúc tiến đầu tư, thương mại, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế./.

lê Huy Hải

Số lần đọc: 5195
Theo Website Kien Giang
Tin liên quan