13.05.2016
Tỉnh Kiên Giang, trong giai đoạn 2011-2015 đã đầu tư hơn 111.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế biển, chiếm 80% vốn đầu tư toàn tỉnh.
Với nguồn vốn này, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư các công trình có ý nghĩa quan trọng phục vụ phát triển kinh tế biển và quốc phòng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân ven biển, trên các đảo, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cụ thể là xây dựng, nâng cấp một số cảng biển, cảng cá, sân bay, hệ thống đường giao thông trên đảo Phú Quốc và các xã đảo Lại Sơn, An Sơn, Thổ Châu, khu tránh trú bão cho tàu thuyền khu vực huyện Kiên Hải, đưa điện quốc gia ra đảo Phú Quốc, xã Hòn Tre (Kiên Hải) và nhiều những công trình khác. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, kinh tế biển của Kiên Giang trong 5 năm qua có bước phát triển khá toàn diện nhờ đầu tư xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng biển, đảo phát huy hiệu quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế biển bình quân 11,14%/năm, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 73,3% GRDP toàn tỉnh. Các ngành nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nghề cá, chế biến và xuất khẩu thủy sản, du lịch biển, đảo phát triển mạnh. Thu hút một số nhà đầu tư chiến lược, uy tín, tiềm lực kinh tế mạnh đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biển, đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, góp phần đưa Kiên Giang thành tỉnh phát triển khá trong cả nước.
Theo đó, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư những công trình trọng điểm, có tính đột phá như: Đường hành lang ven biển phía Nam (đoạn Hà Tiên - Rạch Giá), đường Hồ Chí Minh (đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), các tuyến đường đê trọng yếu… Đầu tư hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; xây dựng, nâng cấp đường giao thông vùng ven biển, hải đảo; lưới điện quốc gia ra một số xã đảo của huyện Kiên Hải, Kiên Lương, Phú Quốc, thị xã Hà Tiên; đầu tư tuyến đê biển Tây (đoạn Hà Tiên - An Minh), đê sông Cái Lớn và Cái Bé, một số công trình vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, vừa ứng phó với biển đổi khí hậu và nước biển dâng. Đầu tư nâng cấp Cảng Hòn Chông (Kiên Lương); xây dựng Cảng dịch vụ hậu cần dầu khí Bãi Đất Đỏ và kho ngoại quan, cảng biển Vịnh Đầm, Cảng hành khách Quốc tế Dương Đông ở đảo Phú Quốc, Cảng Bãi Nò (thị xã Hà Tiên)... Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như đầu tư khai thác đánh bắt hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản ven biển và quanh các đảo gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên ngư trường. Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam. Phát triển du lịch biển, đảo mà trọng tâm là xây dựng đảo Phú Quốc thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, đảo hiện đại, cao cấp tầm cỡ khu vực và quốc tế; phát triển du lịch sinh thái biển đảo những nơi có điều kiện ở các quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương), Tiên Hải (Hà Tiên), Nam Du, Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn (Kiên Hải). Phát triển kinh tế hàng hải gồm: dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, phát triển đội tàu vận tải biển đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách, mở hướng phát triển vận tải biển sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Tỉnh tập trung xây dựng huyện đảo Phú Quốc từng bước trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh để tạo cực tăng trưởng và tác động lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh. Phát triển đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á theo mô hình đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại với 3 trụ cột chính là công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính, ngân hàng và kinh tế biển./. Bài và ảnh: Lê Huy Hải
Số lần đọc: 3263
Theo kiengiang.gov.vn |
Tin liên quan
|