24.12.2015
Năm 2016, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 440 triệu USD, tăng 9,7% so năm 2015, với hai sản phẩm chủ lực là gạo, thủy sản và một số mặt hàng khác.
Theo đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Kiên Giang năm 2016 mở ra nhiều triển vọng, thuận lợi do Cộng đồng ASEAN thống nhất hình thành, thực thi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết... tạo điều kiện cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh thâm nhập sâu vào thị trường các nước trong khu vực và thế giới. Ông Nguyễn Duy An, Giám đốc Nhà máy thực phẩm đóng hộp KTCFOOD Kiên Giang nhận định: “Khi gia nhập Cộng đồng ASEAN, việc mua bán, giao thương tiện lợi, các rào cản về thuế quan từng bước gỡ bỏ, những thủ tục pháp lý giữa các nước trong Cộng đồng thuận lợi hơn và hỗ trợ lẫn nhau, nhất là nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm hàng hóa, thị trường tiêu thụ. Đây là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu.” Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2016, tỉnh Kiên Giang tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm tạo nguồn nguyên liệu sạch, ổn định, chất lượng tốt cung ứng cho chế biến. Cụ thể là sản xuất hiệu quả vùng lúa chuyên canh chất lượng cao xuất khẩu 120.000 ha ở Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành và thành phố Rạch Giá; xây dựng cánh đồng lớn theo tiêu chuẩn VietGAP… cung cấp nguyên liệu cho chế biến gạo xuất khẩu. Thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 97.500 ha, gồm nuôi công nghiệp - bán công nghiệp 2.700 ha, tôm lúa 77.000 ha và quảng canh cải tiến 17.800 ha. Vận động, khuyến khích, hỗ trợ người nuôi tôm áp dụng các quy trình thực hành nuôi GAP, VietGAP, GlobalGAP để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng cung ứng tôm nguyên liệu sạch cho chế biến xuất khẩu.
Song song đó, tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân; đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ tiên tiến hiện đại, chú trọng các sản phẩm tinh chế giá trị gia tăng, đa dạng hóa các mặt hàng, nâng cao giá trị xuất khẩu. Đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống thủy lợi, lưới điện, giống phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là vùng sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu, vùng nuôi tôm công nghiệp Bình Trị (Kiên Lương), Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận). Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh thi công hoàn thành các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản đưa vào hoạt động sản xuất và triển khai những dự án khác; xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp Xẻo Rô (An Biên); mời gọi đầu tư vào Khu công nghiệp Thuận Yên, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tỉnh quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về vốn, tiêu thụ sản phẩm, xâm nhập thị trường, đào tạo nghề... Quan tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đảm bảo sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, chú trọng thị trường tiềm năng như: Nam Phi, Philippine, Mỹ, Nhật, EU… kết hợp xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu thụ nội địa. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: tôm đông, mực đông, gạo theo hướng tăng tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.” Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Kiên Giang đạt 400,8 triệu USD, đạt 76,2% kế hoạch, giảm 15,9% so năm 2014. Trong đó, hàng nông sản 236,6 triệu USD, đạt 75,14% kế hoạch, giảm 14,1%; hải sản hơn 137 triệu USD, đạt hơn 80% kế hoạch, giảm 19,4% và còn lại là hàng hóa khác. So với kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu giảm 126 triệu USD, tương đương 2.772 tỷ đồng, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang trong năm 2015. Nguyên nhân xuất khẩu hàng hóa giảm do nguồn cung từ các nước xuất khẩu khá dồi dào, tạo cạnh tranh gay gắt trên thị trường; giá các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm nông sản, thủy sản đều giảm so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm mặt hàng chịu tác động nhiều nhất có thủy sản và gạo, là hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Kiên Giang. Mặt khác, năng lực của một số doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh chưa đáp ứng với tình hình diễn biến của thị trường, khả năng cạnh tranh không cao như: trình độ quản lý điều hành, khả năng dự báo về thị trường chưa sâu, sử dụng vốn không đúng mục đích, nợ xấu và quá hạn cao. Doanh nghiệp thiếu vốn nhưng khó tiếp cận vay ngân hàng và thiếu nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu, sản phẩm hàng hóa kém sức cạnh tranh trên thị trường…./. Bài và ảnh: Lê Huy Hải
Số lần đọc: 3904
Theo kiengiang.gov.vn |
Tin liên quan
|