Tin nóng
26.01.2015
Sáng 22-01, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã có chuyến khảo sát dọc theo tuyến đê biển Kiên Giang đoạn từ thành phố Rạch Giá tới xã Vân Khánh, huyện An Minh giáp ranh với tỉnh Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về thực trạng xói lở bờ biển ở xã Vân Khánh, huyện An Minh (ảnh – H.Anh).

Ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho biết hệ thống đê biển của địa phương dài gần 212 km. Toàn tuyến đê có 82 cửa sông rạch qua địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 2 cửa sông lớn nhất là Cái Bé và Cái Lớn.

Kết quả quan trắc vài năm trở lại đây cho thấy mỗi năm mực nước biển Kiên Giang dâng cao 1 cm. Nếu mực nước biển dâng cao hơn mực thuỷ chuẩn 0,5m thì có hơn 50% diện tích đồng bằng của Kiên Giang sẽ chìm trong nước.

Qua theo dõi từ năm 2010 đến nay, khu vực ven biển Kiên Giang không ổn định, thay đổi theo từng năm. Mặc dù có những đoạn bồi đắp nhưng không đáng kể. Tình hình xói lở vẫn nhiều hơn bồi tụ.

Nhiều nơi bờ biển xói lở đến tận khu dân cư như đê biển qua 2 huyện An Biên, An Minh, mỗi năm bờ biển xói lở từ 100 – 150 m. Đã có 12 hộ dân ở huyện An Minh bị xói lở mất toàn bộ diện tích rừng nhận khoán, 350 hộ đang bị ảnh hưởng trực tiếp.

Theo ông Nhịn thì một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xói lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng là do thiếu rừng phòng hộ. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay cả tỉnh chỉ trồng được 47 ha rừng phòng hộ ven biển. Các biện pháp hạn chế trình trạng xói lở và mất rừng chưa được triển khai.

Để khắc phục dần tình trạng xói lở bờ biển, tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ trồng rừng từ 14 triệu đồng/ha như hiện nay lên từ 50 – 120 triệu đồng/ha tùy theo loại rừng trồng trên bãi bồi hay bãi lở ít, không có tường mềm giảm sóng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khảo sát cống ngăn mặn ở ấp Kim Quy, xã Vân Khánh, huyện An Minh (ảnh – H.Anh).

Về lâu dài, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ bố trí tổng nguồn vốn lên tới trên 5.000 tỉ đồng để xây dựng 27 cống ngăn mặn và gia cố một số đoạn đê biển đang bị xói lở nghiêm trọng, có nơi như đoạn Tiểu Dừa – Rạch Ông nước biển chỉ còn cách đê hiện hữu từ 30 – 40m.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng – cho biết sau nhiều chuyến khảo sát, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đều hết sức quan tâm đến tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại các tỉnh/thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ đó, các chuyên gia WB đưa ra khuyến cáo cho các địa phương vùng ĐBSCL là phải rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng dự báo đầy đủ thực trạng biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn. Mà tốt nhất là các quy hoạch này phải có tầm chiến lược trăm năm.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang ngay sau chuyến khảo sát, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu làm cho các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan hơn: mưa to hơn, bão mạnh hơn, xâm nhập mặn sâu hơn, thuỷ triều cao hơn, gió mùa Tây Nam mạnh hơn, lượng phù sa về ĐBSCL giảm tới 80%... Đó là những hiện tượng tự nhiên hết sức đáng lo ngại.

Trước mắt, Phó Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Kiên Giang về việc tăng cường đầu tư cho hệ thống cống ngăn mặn, tăng mức đầu tư cho việc trồng rừng phòng hộ ven biển, mà theo báo cáo gần đây nhất thì Việt Nam đã mất tới 70% diện tích rừng phòng hộ.

“Tôi đề nghị khi đầu tư đê biển thì phải ưu tiên số một cho những nơi tác động trực tiếp tới vùng đông dân cư. Trong đó, ý kiến của tỉnh Kiên Giang về việc tận dụng mặt đê làm đường giao thông, tránh giải toả dân đi nơi khác để giảm chi phí là rất đáng lưu ý” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh./.

Hoài Anh

Số lần đọc: 1874
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan