Tin nóng
29.04.2016
Sáng ngày 27/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Trang trại doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Các giải pháp và mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Tham dự hội thảo có ông Trần Minh Thống, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Lê Khắc Ghi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, các nhà khoa học, các trung tâm, viện nghiên cứu và các trường đại học.
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Khắc Ghi cho biết, những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Kiên Giang phát triển khá toàn diện, nhiều năm liền là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực. Tuy nhiên, Kiên Giang cũng là địa phương phải hứng chịu hậu quả nặng nề bởi hạn mặn, đã làm thiệt hại trên 56.505 ha diện tích vụ Mùa và Đông Xuân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của hơn 18.000 hộ nông dân. Vì vậy, cần phải có một giải pháp hiệu quả nhất để thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, giải pháp lâu dài, bên cạnh việc hoàn chỉnh các hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng cống ngăn mặn tại các điểm trọng yếu, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cần bố trí lại cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng vùng, chọn lựa những loại thích ứng với hạn mặn tốt để cho hiệu quả kinh tế cao. Trước mắt, cần chuyển giao nhanh các giống cây có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường để phục vụ sản xuất. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nền nông nghiệp.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày các báo cáo tham luận liên quan đến biến đổi khí hậu, tập trung chủ yếu vào các giải pháp ứng phó với hạn mặn, hạn chế tác hại của hạn mặn đối với lúa; các giải pháp về xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL… Qua đó, kiến nghị để thích ứng với tình hình xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, giải pháp lâu dài phải rà soát lại quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, cấp nước sinh hoạt; sắp xếp ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng các cống kiểm soát mặn, nạo vét hệ thống kênh mương, đắp bờ bao, củng cố đê…

Việt Tiến

Số lần đọc: 4259
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan