Tin nóng
18.09.2013
Tại hội thảo khoa học “góp ý đề án xây dựng khu hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung ương” (gọi tắt là đặc khu Phú Quốc) diễn ra ngày 16-9, đa số ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý… đều thống nhất quan điểm thành lập đặc khu, đồng thời đề nghị cần có cơ chế, chính sách mang tính đột phá.

 

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu kết luận hội thảo.
 

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Phong Quang – Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - nêu mục tiêu của hội thảo lần này nhằm tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và cả các doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo đề án xây dựng đặc khu Phú Quốc, sau đó sẽ thông qua Ban Cán sự Đảng Chính phủ và cuối cùng là trình Bộ Chính trị xem xét.

Xác định Phú Quốc là đảo lớn nhất và nhiều tiềm năng bậc nhất của Việt Nam, ngay từ năm 2008 Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án thành lập khu hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc (gọi tắt là đặc khu Phú Quốc). Đề án này liên tục được tu chỉnh, hoàn thiện, bổ sung theo tình hình thực tế từng năm và đã được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Kiên Giang thông quan Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào tháng 8-2013.

Sau chín năm thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020, Chính phủ và tỉnh Kiên Giang đã tập trung đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng của Phú Quốc. Đến thời điểm này, hệ thống đường trục Nam – Bắc đảo, đường vòng quanh đảo, hệ thống cảng biển… đã cơ bản hoàn thành, đặc biệt là sân bay quốc tế Phú Quốc đã khánh thành và đi vào hoạt động. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc đã đạt mức tăng trưởng đến cuối năm 2012 gấp nhiều lần so với thời điểm năm 2004.

Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cũng như tỉnh Kiên Giang đã thẳng thắn đánh giá quá trình đầu tư, phát triển đảo Phú Quốc như vừa qua là chưa đạt yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế to lớn của hòn đảo này. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện đề án để tiến tới xây dựng đặc khu Phú Quốc với cơ chế, chính sách và bộ máy tổ chức mang tính đột phá là hết sức cần thiết.

 

 

TS. Trần Du Lịch đề xuất thể chế đặc biệt cho đặc khu Phú Quốc.
 

TS. Trần Du Lịch – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh – cho rằng khi xây dựng cơ chế, chính sách cho đặc khu Phú Quốc phải đặt tương quan so sánh với các vùng, các đặc khu khác, chứ không thể chỉ so với đất liền.

Về mặt thể chế, cần phải thống nhất xác định về bản chất đặc khu Phú Quốc chính là mô hình “một quốc gia trong một quốc gia”. Nền tảng chung là thể chế chính trị và luật pháp thì đã rõ, nhưng vẫn cần phải có sự khu biệt nhất định cho đặc khu, nhất là mô hình tổ chức chính quyền thành hai cấp đặc khu và phường.

 

 

Phó thủ tướng và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo huyện Phú Quốc thăm cảng An Thới.
 

Về hành lang pháp lý, nhiều ý kiến thảo luận thống nhất quan điểm đề nghị Quốc hội ban hành luật riêng về đặc khu. Cơ chế đãi ngộ và chính sách nguồn nhân lực cũng phải hết sức đặc biệt. Công chức đặc khu không nên phân biệt hai cấp và phải đảm bảo đời sống thực sự để họ yên tâm công tác.

Trong khi một số ý kiến thảo luận đề nghị nâng cấp Phú Quốc từ huyện trực thuộc tỉnh lên thẳng đặc khu trực thuộc Trung ương thì ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ VHTTDL – đề nghị trước mắt nên tiến hành nâng cấp Phú Quốc thành đô thị loại II để có thể quán xuyến, đảm đương tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện tại. Bởi chờ lên thẳng đặc khu sẽ còn khá lâu do chưa có hành lang pháp lý và các bộ, ban, ngành Trung ương còn có ý kiến khác nhau.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang đề nghị thay vì giữ nguyên mọi việc như hiện nay để chờ đề án hoàn thiện, thì nên vừa làm vừa điều chỉnh đề án theo chủ trương chung của Chính phủ, có như vậy mới không lãng phí thời gian và nguồn lực.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao tất cả 17 lượt ý kiến và tham luận của các đại biểu. Qua đó cho thấy mọi ý kiến đều bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao về quan điểm cần phải sớm xây dựng đặc khu Phú Quốc phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Có cơ chế, chính sách phù hợp, đảo Phú Quốc sẽ “cất cánh” phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
 

Phó thủ tướng cho rằng quá trình phát triển Phú Quốc phải mang tính đột phá và dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế riêng có của Phú Quốc. Một yêu cầu quan trọng đối với đề án là phải gắn sự phát triển của Phú Quốc với sự phát triển của đất nước và quốc tế, tức là thể hiện tầm quốc tế và nhất định phải trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia và đặc biệt là hội nhập quốc tế.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý đề án cũng phải lựa chọn phát triển những ngành, lĩnh vực, sản phẩm mà Phú Quốc có lợi thế cạnh tranh cao để phát triển bền vững lâu dài. Đồng thời làm rõ tính chất đặc biệt của đặc khu Phú Quốc về thương mại, du lịch, quản lý hành chính, quốc phòng – an ninh… để từ đó đưa ra các đề xuất cơ chế, chính sách mang tính đặc thù./.

Bài, ảnh: Hoài Anh

 
Số lần đọc: 1869
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan