Tin nóng
31.08.2016
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/02/2007 của Bộ Chính trị về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang 5 năm qua (2011-2015) đã thực hiện đạt được một số kết quả đáng khích lệ đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn 2011-2015 đạt 11,4%/năm (giá cố định năm 1994); trong đó, nông lâm thủy sản 6,7%; công nghiệp xây dựng 10,7% và dịch vụ 14,9%. Tỷ trọng GDP kinh tế biển chiếm 73,3% GDP toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 3.154 USD tăng gần 2 lần năm 2010.
Ngư dân chuẩn bị ra khơi.

Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng còn chậm, chất lượng thấp và thiếu bền vững; chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, việc khai thác và nuôi trồng thủy sản có bước phát triển nhưng chưa ổn định và bền vững; tiềm năng mặt nước ven biển còn lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả; ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều; môi trường sinh thái vùng biển, ven biển diễn biến ngày một xấu, một số nơi ô nhiễm nặng, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, khả năng tái tạo thấp; cơ sở hạ tầng nói chung, du lịch nói riêng phát triển chậm và chưa đồng bộ, sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng còn thấp, đơn điệu chưa thật hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và chưa gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh; lao động được đào tạo nghề tốt nghiệp vào làm việc tại các doanh nghiệp phải đào tạo lại…; tình hình an ninh trật tự vùng biển từng lúc còn diễn biến phức tạp, tình trạng khai thác thủy sản vi phạm pháp luật trong và ngoài nước còn phổ biến chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2015-2020 và Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 08/3/2016 thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời để thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế biển bền vững, UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế biển đến năm 2020. Theo đó, kế hoạch xác định các mục tiêu chung đó là:

Tập trung xây dựng và phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển như: Khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản ven biển, quanh đảo, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và vùng biển, đảo; phát triển du lịch biển - đảo; phát triển kinh tế hàng hải (dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển,..); chế biến thủy sản,...

Đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị ven biển, các trung tâm kinh tế biển, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Phú Quốc, các đô thị ven biển như: Thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương.

Huy động và phát huy tối đa các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ven biển, hải đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, tăng cường hợp tác quốc tế, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo và ứng phó biến đổi khí hậu; giải quyết việc làm; giảm nghèo, nâng cao mức sống nhân dân.

 
Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc

Cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020 GRDP kinh tế biển, chiếm 74% GRDP toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân toàn tỉnh (năm 2015); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ – công nghiệp, xây dựng – nông lâm thủy sản. Thu hút 6,88 triệu lượt khách du lịch, tăng 57,6% so với năm 2015, trong đó: Khách đến cơ sở kinh doanh du lịch 3,75 triệu lượt, khách quốc tế 450.000 lượt, doanh thu 5.162 tỷ đồng; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng 755.505 tấn, trong đó: Sản lượng khai thác 490.000 tấn. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 230 triệu USD. Đến năm 2020, ổn định và nâng cấp các phương tiện khai thác, trong đó: Tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 90CV, chiếm 70%. Tập trung đầu tư Khu kinh tế Phú Quốc, trong đó: Xây dựng đảo Phú Quốc thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển – đảo hiện đại, cao cấp, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Duy trì 100% xã đảo có trạm y tế, trong đó có 50% trạm y tế đạt chuẩn; Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc và Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải đạt hạng 2 hoặc tương đương hạng 2 về ngoại khoa. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào 02 khu công nghiệp: Khu Công nghiệp Thạnh Lộc, Khu Công nghiệp Thuận Yên và phát triển thêm Khu Công nghiệp Xẻo Rô; hình thành và phát triển một số cụm công nghiệp ở những nơi có điều kiện theo quy hoạch; phối hợp triển khai đầu tư Trung tâm nhiệt điện khí Xẻo Rô – An Biên,… Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá Tắc Cậu, Cảng cá An Thới; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nam Du – Kiên Hải; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp bến cá mũi Gành Dầu – Phú Quốc; khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá kết hợp với nâng cấp, mở rộng Cảng cá đảo Thổ Châu – Phú Quốc và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá... Xây dựng trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường biển Tây Nam. Đầu tư nâng cấp Cảng Hòn Chông - Kiên Lương; xây dựng Cảng dịch vụ hậu cần dầu khí ở Bãi Đất Đỏ và kho ngoại quan, Cảng biển Vịnh Đầm, Cảng hành khách quốc tế Dương Đông - Phú Quốc, Cảng Bãi Nò - Hà Tiên. Tập trung xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường trục chính Bắc – Nam của đảo: An Thới – Đương Đông – Suối Cái – Bãi Thơm và các tuyến đường nhánh kết nối với đường trục và đường quanh đảo Phú Quốc; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên các xã đảo Kiên Hải, Kiên Lương, thị xã Hà Tiên.

Để thực hiện nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện các giải pháp đó là:

Bộ đội Biên phòng canh giữ biển đảo.

Một là: Xác định từ nay đến năm 2020 kinh tế biển chiếm vị trí quan trọng và đóng góp lớn cho kinh tế chung của tỉnh, do đó cần tập trung đầu tư để khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Trước mắt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 tỉnh Kiên Giang và rà soát, bổ sung các quy hoạch ngành, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, khu du lịch đảm bảo chất lượng, có tính khả thi cao và mang lại hiệu quả, phù hợp định hướng phát triển của tỉnh và Trung ương. Ngoài ra, quy hoạch ngành, lĩnh vực cần gắn công tác dự báo với ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.

Hai là: Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo, nhất là các công trình giao thông, điện, nước sinh hoạt; phát triển mạnh các ngành như: Thương mại, dịch vụ - du lịch, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng sử dụng nguyên liệu tái chế và nguyên liệu mới thay thế, công nghiệp đóng tàu, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế, các khu đô thị ven biển, hải đảo; phát triển ngành nghề và nâng cao đời sống của nhân dân ven biển, hải đảo. Thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân, đầu tư khai thác thủy sản trên các vùng biển khơi xa. Chuyển đổi ngành nghề và phương thức đánh bắt để nâng cao chất lượng đánh bắt và bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Xây dựng và triển khai chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quản lý, khai thác biển đảo một cách bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển.

Ba là: Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, chú trọng giáo dục hướng nghiệp ngay từ cấp trung học cơ sở; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là dạy nghề; đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý, các chuyên gia đầu ngành, công nhân lành nghề, đảm bảo đủ số lượng và đạt về chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển đảo. Đào tạo nguồn nhân lực vừa kết hợp đào tạo theo kế hoạch đầu tư tập trung của nhà nước với đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo. Quan tâm đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ đủ sức quản lý, điều hành phát triển kinh tế biển.

Bốn là: Tăng cường công tác đối ngoại, mở rộng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về biển để tranh thủ vốn, tiềm lực khoa học, công nghệ; tiếp tục nghiên cứu vận dụng cơ chế chính sách một cách đồng bộ, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khai thác, phát triển kinh tế biển, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của kinh tế biển Kiên Giang như nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp năng lượng, vận tải, du lịch, dịch vụ; khai thác và sử dụng tốt nguồn lực trong dân, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và quỹ đất, mặt nước.

Năm là: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách tập trung Biển Đông – Hải Đảo của Trung ương và cân đối từ ngân sách địa phương để đầu tư các công trình đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng lực lượng mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, hải đảo. Thực hiện tốt các chính sách để thu hút, khuyến khích trong việc sắp xếp, bố trí dân cư các vùng ven biển, hải đảo. Kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động trên biển.

Sáu là: Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển, đảo, xây dựng các tổ đội dân quân tự vệ trong hoạt động đánh bắt và tự vệ biển nhằm đảm bảo vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo. Xây dựng lực lượng quản lý và bảo vệ biển, đảo chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và đủ mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển, đảo; nòng cốt là lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng và kiểm ngư.

Bảy là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh về biển đảo. Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng vùng, từng khu vực phải mang tính lưỡng dụng theo hướng: Thời bình bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh; đồng thời phải đáp ứng nhu cầu quốc phòng - an ninh trong thời chiến./.

Ng.Lê Hồng

Nguyễn Hữu Sương, Trưởng phòng KTTH

(VP.UBND tỉnh Kiên Giang)

Số lần đọc: 4000
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan