Tin nóng
19.02.2021

 

Sáng ngày 17-2, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do ông Lê Minh Hoan – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT làm trưởng đoàn đến thăm công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nhân dịp đầu năm Tân Sửu 2021. Tiếp và làm việc với đoàn công tác có ông Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông Lâm Minh Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (thứ 3, từ trái qua) khảo sát tại công trình Cống Cái Lớn.

 

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 đã báo cáo tiến độ thi công công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, theo đó, tính đến ngày 17-2, cống Cái Lớn đã thực hiện được khoảng 75% khối lượng hợp đồng, thời gian thực hiện đạt 15/25 tháng. Cống Cái Bé và đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61 có giá trị khối lượng thực hiện đạt trên 85% khối lượng hợp đồng. Cống Xẻo Rô đã hoàn thành đạt 40% khối lượng hợp đồng. Tổng vốn kế hoạch năm 2020 đã bố trí là 1.130 tỷ đồng. Trong quý I-2021, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 đề nghị UBND huyện An Biên hoàn thành toàn bộ công tác bồi hoàn còn lại của cống Xẻo Rô, bao gồm cả việc đánh giá nhà cửa bị ảnh hưởng khi thi công công trình.

 

Về thi công, đối với cống Cái Lớn dự kiến sẽ hoàn hành các hạng mục chính trong đó bao gồm hoàn thành lắp đặt cửa van, thiết bị đủ điều kiện phục vụ vận hành phục vụ sản xuất trong tháng 6-2021. Dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình cống Cái Lớn trong tháng 9-2021. Đối với cống Cái Bé dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 6-2021. Cống Xẻo Rô sẽ hoàn thành trong tháng 10-2021. Toàn bộ hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé sẽ được nghiệm thu, bàn giao chính thức đưa vào khai thác sử dụng trước 31-12-2021.

 

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, mực nước sông Mê Kong tại trạm Chiang Sean (Thái Lan) và các trạm tại Campuchia có xu thế giảm nhanh, nguyên nhân do hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 5-1 đến 24-1-2021, với lưu lượng giảm khoảng gần 50% so với thời gian trước. Việc giảm lượng xả thủy điện ở thượng nguồn đã làm mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và các trạm nội đồng trong tỉnh xuống thấp, có thời điểm xấp xỉ đến thấp hơn cùng kỳ năm 2020 và trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn tăng nhanh từ đầu tháng 2 -2021. Ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu trên sông Cái Lớn khoảng 45 km, độ mặn 1g/l xâm nhập sâu khoảng 60km. Mực nước các trạm nội đồng trong tỉnh dao động theo triều, đến ngày 4-2 mực nước cao cùng kỳ năm 2020 từ 0,15 -0,25m, ở mức xấp xỉ so cùng kỳ năm 2016.

 

Để chủ động ứng phó có hiệu quả với tình hình hạn mặn, đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT vận hành hiệu quả hệ thống công trên địa bàn tỉnh để ngăn mặn giữ ngọt, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021, nước sinh hoạt đô thị và vùng nông thôn. Các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn đã triển khai gia cố, đắp mới 184 đập tạm. Tính đến nay, tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất do hạn mặn gây ra.

 

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: Đối với dự án đầu tư xây dựng 18 cống ven biển tỉnh Kiên Giang bằng nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2019-2023 với tổng mức đầu tư 1.484 tỷ đồng, đến nay Trung ương mới bố trí 154,4 tỷ đồng, do đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến đôn đốc các Bộ, ngành sớm trình Chính Phủ hỗ trợ kinh phí còn lại để đầu tư hoàn thiện khép kín tuyến đê biển, đồng bộ với hệ thống công trình Cái Lớn, Cái Bé do Trung ương đầu tư. Đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ bố trí vốn cho tỉnh triển khai dự án kè chống sạt lở ven biển tỉnh Kiên Giang, đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân các khu vực bị sạt lở; Sớm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021…

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, hoan nghênh lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị của Bộ NN&PTNT hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Thích ứng với biến đổi khí hậu thành công hay không, không chỉ do phần cứng mà còn do phần mềm và sự thấu hiểu, thông suốt, đồng thuận của người thụ hưởng trực tiếp là người nông dân, của cộng đồng dân cư. Vừa kết hợp yếu tố công trình và yếu tố phi công trình có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Do đó, trong thời gian tới Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 và các nhà khoa học có liên quan bằng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, hết sức tập trung xây dựng quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé, và quy trình này phải được thông báo tới các địa phương có liên quan, từ tỉnh đến huyện, xã, và cộng đồng dân cư được biết, không để xảy ra tình trạng tranh chấp, xung đột trong sản xuất của người dân nằm trong vùng dự án.

 

Sau khi công trình Cống Cái Lớn, Cái Bé được đưa vào vận hành Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh chịu tác động, tổ chức khảo sát các mô hình sinh kế, quy hoạch lại cơ cấu sản xuất cho gần 350.000 hecta bị sự điều chỉnh, can thiệp cuả hệ thống cống, nếu làm tốt sẽ xây dựng thương hiệu nông sản cho vùng. Bởi đây là hệ sinh thái đặc biệt, kết hợp giữa hệ sinh thái tự nhiên và có sự can thiệp nhất định nhưng vẫn giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu. Tích hợp nhiều giá trị vào hai công trình này, không chỉ điều chỉnh mặn, ngọt, lợ mà phải tạo ra được giá trị cho nông nghiệp, nông sản Kiên Giang và cả vùng./.

 
Mai Hương
Số lần đọc: 1422
Website Kiên Giang
Tin liên quan