Tin nóng
04.12.2013
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh khóa VIII tổ chức vào sáng ngày 03/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Huỳnh đã trả lời giải quyết một số ý kiến của cử tri quan tâm trước kỳ họp. Cụ thể:..

I. Lĩnh vực sản xuất nông - lâm - thủy sản

1. Cử tri ấp Mương Kênh A, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất đề nghị có kế hoạch nạo vét kênh Mương Kênh A, tạo điều kiện đầu tư tuyến đường Mương Kênh A (thuộc dự án Vàm Răng - Ba Hòn).

Kênh Mương Kênh A, xã Sơn Bình không nằm trong dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Vàm Răng - Ba Hòn. Đề nghị cử tri kiến nghị trực tiếp với chính quyền địa phương họp lấy ý kiến thống nhất việc nạo vét với nhân dân trong vùng, trình UBND xã Sơn Bình, xã có trách nhiệm trình UBND huyện Hòn Đất để đưa vào danh mục đầu tư trong những năm tới.

2. Cử tri xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải đề nghị nhà nước hỗ trợ (máy) thông tin - dự báo thời tiết cho các phương tiện khai thác hải sản.

Từ năm 2008 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 1 chương trình và 1 dự án hỗ trợ ngư dân liên quan đến máy thông tin - dự báo thời tiết, cụ thể: Chương trình “Thí điểm trang bị máy thu trực canh cho ngư dân”, cả nước được trang bị 15.000 máy thu, riêng tỉnh Kiên Giang trong năm 2010 đã được cấp phát 500 máy, trong đó đã bàn giao cho huyện Kiên Hải lắp đặt cho ngư dân 300 máy. Hiện chương trình hỗ trợ máy thu trực canh này đã tạm thời kết thúc. Dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar” cả nước được trang bị 3000 thiết bị, Kiên Giang được phân bổ 407 và đã lắp đặt xong 170 máy, riêng huyện Kiên Hải được 26 máy. Đối tượng được lắp đặt thiếp bị là các tàu cá khai thác xa bờ, có nhu cầu xin đăng ký lắp thiết bị. Hiện dự án đang trong giai đoạn thử nghiệm. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Nông nghiệp tiếp tục kiến nghị Bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân hơn nữa, đặc biệt là lĩnh vực thông tin, thời tiết.

II. Tài chính - ngân hàng

Cử tri huyện Gò Quao đề nghị giảm nợ hoặc xóa nợ cho những hộ vay vốn xây nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở (hiện những hộ này không có khả năng trả nợ vay).

Từ đầu năm 2009 đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh thực hiện cho vay theo Quyết định 167 đối với 10.357 hộ nghèo, số tiền 81,93 tỷ đồng, dư nợ hiện tại còn 81,64 tỷ đồng (10.210 hộ); trong đó dư nợ cho vay tại huyện Gò Quao là 8,3 tỷ đồng (1.040 hộ). Theo quy định tại Quyết định 167 thì nguồn vốn để cho vay theo chương trình này 50% do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động, thời hạn cho vay là 10 năm, trong đó 5 năm đầu là thời gian ân hạn (người vay chưa phải trả lãi và gốc), bắt đầu từ năm thứ 6 trở đi mới định kỳ trả nợ gốc mỗi năm tương đương 20% và lãi tiền vay. Hiện nay, các khoản vay theo Quyết định 167 trên địa bàn tỉnh còn đang trong thời gian ân hạn, từ năm 2015 trở đi người vay mới phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay. Như vậy, nội dung đề nghị giảm nợ và xoá nợ của cử tri huyện Gò Quao chưa đủ cơ sở để kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế xử lý. Vì vậy, đề nghị các cử tri thực hiện theo quy định hiện hành.

III. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

* Về giao thông

1. Cử tri huyện Châu Thành đề nghị sớm thi công hoàn thành công trình cống thoát nước tuyến Quốc lộ 63 (đoạn ấp An Bình, xã Bình An), hiện nay công trình thi công dở dang, ảnh hưởng đến an toàn giao thông; đề nghị tăng cường kiểm tra các vỏ đặt máy xe chạy tốc độ lớn trong mùa lũ làm sạt l hai bên bờ kênh Cái Sắn.

Tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành công trình cống thoát nước tuyến Quốc lộ 63 đưa vào khai thác. Đồng thời, sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tỉnh và cơ quan quản lý đường thủy Trung ương kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện lưu thông trên tuyến đường thủy này.

2. Cử tri xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất đề nghị tỉnh có kế hoạch xây dựng cầu kênh Dẫn Dòng của cống Vàm Răng (do xây dựng cống) hoặc trả lại hiện trạng ban đầu, hiện nhân dân bắc cầu tạm sử dụng; đề nghị xây dựng tuyến giao thông quanh núi Hòn (ấp Hòn Đất, xã Thổ Sơn) để phục vụ du lịch Khu di tích lịch sử Phan Thị Ràng (mộ chị Sứ) và nhân dân trong khu vực.

Theo dự án đầu tư xây dựng công trình cống Vàm Răng được duyệt thì không có cây cầu bắc qua kênh dẫn dòng. Căn cứ đề nghị của chính quyền địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương bố trí vốn ngân sách tỉnh và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn kinh phí, đề xuất UBNND tỉnh. Khi cân đối được nguồn vốn sẽ phê duyệt điều chỉnh dự án và bố trí vốn để đầu tư xây dựng.

Đối với đề nghị xây dựng tuyến giao thông quanh núi Hòn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Hòn Đất và các đơn vị có liên quan khảo sát thực tế, mục tiêu đầu tư và xem xét hiệu quả của dự án đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.

3. Cử tri xã Ngọc Thành, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng đề nghị tỉnh sớm thi công tuyến đường Ngọc Thành (kênh Xẻo Bần từ thị trấn Giồng Riềng đến xã Ngọc Thành) và tuyến Thạnh Lộc - Ngọc Thuận.

Đến thời điểm hiện nay, các tuyến đường từ huyện về đến trung tâm xã trên địa bàn huyện Giồng Riềng đã được đầu tư mặt đường bằng nhựa hoặc bêtông, hoàn thành đạt 100%. Tuyến đường Ngọc Thành và tuyến Thạnh Lộc - Ngọc Thuận là các tuyến đường liên xã. Tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Giồng Riềng và các ngành liên quan khảo sát thực tế tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, cân đối khả năng vốn và phân kỳ đầu tư.

4. Cử tri ấp Cờ Trắng, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương đề nghị tỉnh có kế hoạch mở rộng mặt đường từ 8-10 m và nâng tải trọng tuyến lộ giao thông Hòa Điền, vì hiện nay lưu lượng xe nhiều dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Đường Hòn Heo - Cờ Trắng - Hòa Điền được UBND tỉnh điều chỉnh tăng quy mô dự án công trình từ đường cấp VI lên đường cấp V đồng bằng (mặt đường rộng 5,5 m, nền đường rộng 7,5 m, tải trọng 10 tấn), với tổng mức đầu tư là 69,3 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ xem xét đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường khi tranh thủ được các nguồn vốn Trung ương.

* Về cung cấp nước sạch

1. Cử tri xã Giục Tượng, huyện Châu Thành; huyện Gò Quao đề nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm NS&VSMTNT) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra Trạm cấp nước ấp Tân Lợi, hiện nay cung cấp nước cho nhân dân sử dụng chưa qua xử lý, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; kéo đường ống dẫn nước từ cụm dân cư đến các ấp trong xã Định Hòa và đề nghị đầu tư xây dựng nhà máy nước ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao để nhân dân có nước sạch sử dụng.

Vào đầu năm 2013, Trạm cấp nước ấp Tân Lợi, xã Giục Tượng có hiện tượng chất lượng nước chưa đạt, Trung tâm NS&VSMTNT đã tiến hành kiểm tra, nhưng do nguồn nước đầu vào tại khu vực này không ổn định. Mặc khác, hệ thống lọc không đáp ứng được nguồn nước đầu vào nên chất lượng nước cấp cho nhân dân trong vùng đôi lúc chưa đảm bảo yêu cầu. Hiện nay, Trung tâm đang tiến hành kiểm tra chấn chỉnh, khắc phục vấn đề này trong thời gian sớm nhất (tháng 12/2013) để cấp nước cho nhân dân được ổn định và tốt hơn.

Với các trạm cấp nước hiện tại trên địa bàn xã Định Hòa và Trạm cấp nước lân cận (Đường Xuồng) đã cấp nước 9/11 ấp trong xã (chiếm 81,82%) còn lại 02 ấp chưa có tuyến ống cấp nước là ấp Hòa Ấn và Hòa Hiếu 2 do khó khăn về vốn đầu tư. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện mở rộng các trạm cấp nước phục vụ nhân dân trong thời gian tới.

Xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc đã có trạm cấp nước, nhưng hiện nay trạm nước đã vượt quá công suất, nên cấp nước cho nhân dân trong vùng còn hạn chế so với sự phát triển của địa phương, Trung tâm NS&VSMTNT đã khảo sát và lập dự án “Cải tạo nâng cấp Trạm cấp nước xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao” và sẽ thực hiện theo kế hoạch giai đoạn 2014-2015.

2. Cử tri xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt cho xã.

Việc thực hiện đầu tư hồ chứa nước trên đảo rất phức tạp và tốn kém. Để đảm bảo cấp nước và sớm có nước sạch cho nhân dân trên đảo Thổ Châu cần sớm sửa chữa cải tạo nâng cấp Trạm cấp nước sẵn có. Đầu năm 2011, UBND tỉnh chấp thuận cho phép khảo sát, lập dự án nâng cấp mở rộng Trạm cấp nước Thổ Châu và Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật Dự án nâng cấp, mở rộng Trạm cấp cấp nước xã Thổ Châu, với tổng vốn đầu tư 8 tỷ đồng, thực hiện từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn nên chưa cân đối được nguồn vốn. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo xem xét, bố trí vốn thực hiện để sớm cấp nước cho nhân dân trên đảo.

* Về quy hoạch

1. Cử tri huyện Châu Thành đề nghị tỉnh nên xem xét lại và sớm quy hoạch khu đô thị Tắc Cậu, quy hoạch 10 năm nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân.

UBND tỉnh đã có chủ trương hủy bỏ đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành tỷ lệ 1/2000, quy mô 72,68 ha. Hiện nay, Sở Xây dựng và UBND huyện Châu Thành đang thực hiện các thủ tục cần thiết để tổ chức công bố việc hủy bỏ đồ án quy hoạch khu đô thị Tắc Cậu cho người dân được biết.

2. Cử tri huyện Gò Quao đề nghị sớm thực hiện bồi hoàn cho nhân dân trong khu vực quy hoạch đường ống khí điện đạm đi qua, đã 2 năm nhưng chưa bồi thường.

Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn trên địa bàn huyện Gò Quao thì có 510 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đi qua. Công tác đo đạc lập phương án cơ bản đã hoàn thành trong tháng 6/2012 và chuẩn bị thông qua Hội đồng thẩm định phương án bồi thường tỉnh. Tuy nhiên, Công ty điều hành Đường ống dẫn khí có điều chỉnh quy hoạch hành lang thu hồi đất vĩnh viễn và tạm thời tuyến ống bờ - Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đoạn tuyến đi qua địa phận tỉnh. Hiện nay, nhà thầu của Công ty đang hoàn thiện công tác cắm mốc và ranh theo quy hoạch điều chỉnh để thực hiện công tác đo đạc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả đền bù theo quy định. Được biết, các vấn đề thương mại liên quan đến việc cung cấp khí giữa chủ mỏ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đàm phán và thống nhất. Vì vậy, ngay sau khi thống nhất giữa hai bên, Công ty sẽ tiến hành triển khai đồng loạt công tác giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến từ Cà Mau đến Cần Thơ, trong đó có đoạn tuyến đi qua xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc.

3. Cử tri xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên tiếp tục phản ánh dự án xây dựng Thao trường huấn luyện tổng hợp Núi Nhọn (xã Thuận Yên) quy hoạch từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện, đề nghị BCH Quân sự tỉnh cho biết dự án có triển khai thực hiện không, nếu thực hiện thì thời gian nào sẽ triển khai và diện tích quy hoạch dự án là bao nhiêu để người dân được biết và an tâm ổn định cuộc sống.

Hiện nay, BCH Quân sự tỉnh vẫn đang tiếp tục thực hiện dự án xây dựng Thao trường huấn luyện tổng hợp Đông Nam Núi Nhọn giai đoạn 2012-2015 theo đúng quy hoạch của Bộ Quốc phòng và Quân khu 9. Mọi thủ tục triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành. BCH Quân sự tỉnh đang tiến hành kiểm tra, thẩm định lại dự án và sẽ thực hiện bồi hoàn và triển khai dự án trong quý I/2014.

IV. Văn hóa - giáo dục

Cử tri xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc đề nghị sớm hỗ trợ tiền học phí cho học sinh, sinh viên vùng hải đảo theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.

Thực hiện Nghị định số 49 của Chính phủ, UBND tỉnh đã có chỉ đạo cho các Sở: Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai, thực hiện. Đến thời điểm này, Sở Tài chính đã cấp đủ kinh phí đối với các địa phương. Qua ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Kiên Hải và UBND huyện Phú Quốc sớm chi trả kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.

VI. Y tế

1. Cử tri huyện An Minh, Tân Hiệp, U Minh Thượng kiến nghị đầu tư trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa huyện để phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân được tốt hơn. Hiện nay, các trang thiết bị của Bệnh viện huyện thiếu và không sử dụng được.

Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều sự quan tâm đầu tư về vật chất và trang thiết bị y tế để phục vụ người dân như: Máy siêu âm, x-quang, điện tim và thiết bị phòng mổ đã đưa vào phục vụ người dân, nâng cao chất lượng điều trị. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, việc đầu tư cho bệnh viện bị ảnh hưởng do kinh tế suy giảm và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn nên việc nâng cấp mua sắm thay thế các thiết bị y tế xuống cấp chưa kịp thời. UBND tỉnh ghi nhận tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri. Trong thời gian tới sẽ chỉ đạo Sở Y tế điều chỉnh các nguồn kinh phí để mua những thiết bị quan trọng cần trang bị, trong đó có xem xét ưu tiên cho các bệnh viện còn thiếu và bị hư hỏng nhiều.

2. Cử tri xã Hòn Nghệ, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương và xã Lại Sơn, xã Nam Du, huyện Kiên Hải đề nghị tỉnh sớm thực hiện việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân trên xã đảo.

Căn cứ theo Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 07/02//2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” thì người dân sống trên xã đảo được cấp thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 01/01/2013. Nhưng đến nay, Bộ Y tế và Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn nên tỉnh chưa có cơ sở để triển khai thực hiện. Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận được văn bản trả lời. Sau khi có hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh sẽ chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức cấp phát thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.

3. Cử tri thành phố Rạch Giá phản ánh thái độ phục vụ của nhân viên quầy cấp phát thuốc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) phục vụ không tốt, thái độ không ân cần đối với bệnh nhân… Đề nghị có hướng chấn chỉnh.

Qua ý kiến của cử tri, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chấn chỉnh quy trình cấp phát thuốc, khắc phục tình trạng quá tải tại quầy thuốc và tăng cường giáo dục chỉnh huấn các nhân viên quầy thuốc và bệnh viện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ tác phong trong phục vụ người bệnh, xử lý nghiêm các vi phạm về y đức - giao tiếp, để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong ngành Y tế khi phát hiện các trường hợp cụ thể.

VII. Về bảo vệ môi trường

1. Cử tri huyện Châu Thành tiếp tục đề nghị ngành chức năng đánh giá tác động môi trường về khói, bụi của “tro trấu” để có hướng xử lý tốt hơn trong thời gian tới. Hiện nay, các xí nghiệp bột cá sử dụng vật liệu (trấu) làm nhiên liệu để đốt, bụi tro làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và sức khỏe của người dân.

Trong thời gian qua, các ngành chức năng đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các nhà máy chế biến bột cá trên địa bàn xã Bình An, huyện Châu Thành. Qua thanh tra đã phát hiện có 7 nhà máy có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: Xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường; khói bụi tro trấu phát tán ra môi trường; không lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết; không giám sát môi trường. Qua đó, UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định xử phạt đối với 7 nhà máy với tổng số tiền 446 triệu đồng. Hiện nay, các đơn vị bị xử phạt đang trong thời gian thực hiện việc khắc phục các hành vi vi phạm theo nội dung kết luận thanh tra và quyết định xử phạt. Sau khi hết thời hạn khắc phục, sẽ tiến hành phúc tra, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và quyết định xử phạt. Nếu phát hiện các nhà máy này tiếp tục vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Cử tri ấp Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra các xe tải vận chuyển cá phân xả nước thải xuống mặt đường gây ô nhiễm môi trường (dọc theo Quốc lộ 80 và đoạn từ cầu Tám Ngàn đi tỉnh An Giang).

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 140 trường hợp vi phạm chở hàng hóa để rơi vãi cát, đá xuống đường, hoặc thải mùi hôi thối vào không khí gây mất vệ sinh môi trường (riêng trên địa bàn huyện Hòn Đất đã phát hiện xử lý 30 trường hợp). Tuy nhiên, do lái xe luôn lợi dụng các đoạn đường vắng, không có các lực lượng chức năng tuần tra để xả nước thải, nên việc phát hiện xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Công an phối hợp với các lực lượng khác tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm. Đề nghị cử tri quan tâm khi phát hiện các hành vi vi phạm thì kịp thời thông báo cho công an địa phương nơi gần nhất để ngăn chặn, xử lý.

3. Cử tri xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng đề nghị kiểm tra mức độ ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành).

Trong thời gian qua, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp tại khu cảng cá Tắc Cậu. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 13 tổ chức có các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. UBND tỉnh ban hành 13 quyết định xử phạt đối với 13 đơn vị với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng, đồng thời buộc các đơn vị bị xử lý phải chấm dứt và có biện pháp khắc phục ngay các hành vi vi phạm đã gây ra. Ghi nhận ý kiến của cử tri, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra việc khắc phục. Nếu phát hiện các doanh nghiệp nêu trên tiếp tục vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

4. Cử tri huyện Tân Hiệp đề nghị thường xuyên kiểm tra và có đánh giá tác động môi trường của các cơ sở chế biến nước mắm (xã Mong Thọ, huyện Châu Thành) bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

Qua phản ánh của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch thanh tra trong thời gian tới. Sau khi có kết quả thanh tra, thông báo cho cử tri được biết. Nếu có hành vi vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

5. Cử tri ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương đề nghị kiểm tra chất lượng đảm bảo vệ sinh của hồ chứa nước Núi Sơn Trà; hàng năm có kế hoạch kiểm tra định kỳ về mức độ ô nhiễm môi trường của Nhà máy xi măng Holcim.

UBND tỉnh ghi nhận ý kiến của cử tri về việc kiểm tra chất lượng đảm bảo vệ sinh của hồ chứa nước Núi Sơn Trà. Sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch kiểm tra chất lượng nước của hồ chứa nước Núi Sơn Trà. Sau khi có kết quả về chất lượng nước, sẽ thông báo cho cử tri biết.

Đối với Dự án Nhà máy xi măng Holcim Hòn Chông của Công ty TNHH xi măng Holcim Việt Nam theo Điều 126 Luật Bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo vệ môi trường. Vấn đề cử tri kiến nghị, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho kiểm tra việc chấp hành của nhà máy và có ý kiến đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ có kế hoạch kiểm tra định kỳ về mức độ ô nhiễm môi trường của nhà máy.

6. Cử tri thành phố Rạch Giá đề nghị ngành chức năng có giải pháp đối với các hộ nuôi chim yến trên địa bàn thành phố (gần khu dân cư, trường học) gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Trong đó quy định cường độ âm thanh dẫn dụ chim yến không quá 70 dBA (Đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Qua ý kiến của cử tri, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Rạch Giá và các địa phương khác kiểm tra các cơ sở nuôi chim yến và yêu cầu các cơ sở nuôi chim yến có biện pháp khắc phục theo quy định.

VIII. Về chính sách xã hội

1. Cử tri xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất đề nghị ngành chức năng sớm thực hiện chế độ chính sách đối với công chức cấp xã theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 1, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP quy định về phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, một số trợ cấp và thanh toán tiền tàu xe đối với cán bộ, công chức, viên chức và người được hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất không nằm trong danh sách xã có điều kiện kinh tế - xã hội đăc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, ý kiến của cử tri là không thể thực hiện được.

2. Cử tri xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng đề nghị ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn xây dựng giao thông nông thôn theo Chương trình 135 của Chính phủ.

Vốn theo Chương trình 135 của Chính phủ giai đoạn I (1997-2006) và giai đoạn II (2006-2010) đến nay đã kết thúc. Ngày 04/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 551/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đến nay chưa cân đối được nguồn vốn bố trí cho giai đoạn này. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tham mưu triển khai chương trình này khi cân đối được nguồn vốn.

IX. Về quản lý nhà nước

1. Cử tri các huyện Giồng Riềng, U Minh Thượng, An Biên, Tân Hiệp, Kiên Lương, Giang Thành tiếp tục đề nghị có các giải pháp đồng bộ nhằm bình ổn giá cả thị trường, đặc biệt giá lúa và vật tư nông nghiệp để nông dân sản xuất có lãi 30% như chủ trương của Chính phủ; có kế hoạch thu mua lúa tạm trữ kịp thời cho từng vùng, tránh tình trạng vào thu hoạch người dân bán hết lúa thì nhà nước mới bắt đầu mua tạm trữ và đảm bảo đầu ra để nhân dân an tâm sản xuất; kiểm tra, quản lý hàng giả, hàng nháy, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất của nhân dân.

Việc bình ổn giá lúa, gạo, năm 2013 UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công Thương và các doanh nghiệp đã mua tạm trữ được 230.732 tấn đạt 136,52% so với kế hoạch, giá bình quân gạo nguyên liệu 7.151 đồng/kg vụ Đông Xuân và 7.441 đồng/kg vụ Hè Thu. Việc thu mua tạm trữ này đã góp phần bình ổn thị trường, làm cho giá lúa gạo không xuống thấp hơn khi vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện thu mua tạm trữ giá lúa tăng lên không đáng kể (từ 50 - 100 đồng/kg tùy theo từng loại lúa) và việc tăng giá này không trên phạm vi toàn tỉnh mà chỉ ở một số địa phương nơi doanh nghiệp triển khai thu mua. Chỉ tiêu phân bổ thu mua tạm trữ thấp so với sản lượng lúa thu hoạch toàn tỉnh, từ đó lượng lúa hàng hóa còn tồn đọng trong dân còn nhiều. Nhằm góp phần bình ổn thị trường lúa gạo, đảm bảo đầu ra để nông dân an tâm sản xuất, UBND tỉnh đã quy định cụ thể các doanh nghiệp xuất khẩu gạo muốn duy trì điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng liên kết với hộ nông dân trồng lúa; từ đó giúp người nông dân phần nào an tâm sản xuất (có 09 doanh nghiệp đăng ký); phê duyệt danh mục quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ lúa 269.000 tấn trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương về thời điểm mua tạm trữ lúa, gạo nên xác định cho từng địa phương và giao cho địa phương quyết định; phân bổ chỉ tiêu số lượng mua tạm trữ theo sản lượng thu hoạch của từng địa phương nhằm góp phần tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong dân.

Về bình ổn giá vật tư nông nghiệp: Hiện nay, phân ure, phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục bình ổn giá theo Luật Giá. Hai loại phân bón chủ yếu như ure và NPK trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu tiêu dùng nên nhà nước chủ động bình ổn thị trường. Tuy nhiên, vào thời điểm chính vụ do nhu cầu sử dụng tăng đột biến ở từng khu vực làm quá tải hệ thống lưu thông, phân phối và vận chuyển nên giá cả có thể tăng cục bộ ở một số nơi. Đề nghị cử tri nếu phát hiện trường hợp đầu cơ, tăng giá bất hợp lý thì báo cho cơ quan Quản lý thị trường và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.

Về việc kiểm tra, quản lý hàng giả, hàng nháy, hàng kém chất lượng: UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Ban Chỉ đạo 127/KG tỉnh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn. Đầu năm đến nay, đã kiểm tra 60 vụ, vi phạm 17 vụ, đã xử lý 17 vụ việc vi phạm hành chính liên quan mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các mặt hàng có chứa chất phụ gia độc hại; kiểm tra 51 cơ sở, phát hiện 23 cơ sở vi phạm về đo lường chất lượng và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất bún, sản phẩm từ bột để kiểm nghiệm, kết quả có 01 mẫu bún chứa acid oxalic và 01 mẫu bánh hỏi có chứa chất Tinopal, đã tiến hành xử phạt theo quy định pháp luật và công khai kết quả xử phạt vi phạm hành chính trên báo đài.

2. Cử tri các huyện Kiên Hải và Phú Quốc phản ánh, hiện nay có nhiều phương tiện đánh bắt thủy sản (ghe lú) từ nơi khác (ngoài tỉnh) đến địa bàn xã Nam Du, An Sơn (huyện Kiên Hải) và Thổ Châu, Hòn Thơm (huyện Phú Quốc) sử dụng thuốc nổ để khai thác hải sản, làm cạn kiệt ngư trường. Đề nghị các ngành chức năng tăng cường tuần tra và xử lý; đề nghị phân luồng đánh bắt hải sản để ngư dân đánh bắt gần bờ được an tâm và xử lý nghiêm phương tiện đánh bắt hải sản bằng xung điện (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải).

Như phản ánh của cử tri, thời gian gần đây tại vùng biển thuộc địa bàn các xã Nam Du và An Sơn, huyện Kiên Hải; xã Thổ Châu và Hòn Thơm, huyện Phú Quốc có xuất hiện các tàu cá của ngư dân ngoài tỉnh di chuyển đến để khai thác thủy sản bằng chất nổ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản và sinh cảnh đáy biển. Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành chức năng có liên quan như: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Đường thủy, cùng phòng quản lý chuyên ngành về nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị, thành phố trong tỉnh nhanh chóng triển khai công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản trên cả vùng biển tỉnh. Trong 11 tháng đầu năm 2013, đã kiểm tra xử lý 72 vụ tàu cá sử dụng xung điện để khai thác thủy sản, số tiền xử phạt vi phạm là 338 triệu đồng; đồng thời tịch thu, tiêu hủy 72 bộ kích điện là tang vật vi phạm. Thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kịp thời xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Việc phân vùng (hay phân luồng) khai thác thủy sản, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND ngày 07/4/2011 quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, vùng biển tỉnh được phân thành 03 vùng là vùng biển ven bờ, vùng lộng và vùng khơi được quy định tương ứng với tổng công suất từng loại tàu cá. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân, nhất là những người có tham gia hoạt động thủy sản chấp hành nghiêm quy định về phân vùng khai thác thủy sản.

3. Cử tri thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương phản ánh Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang thu phí lắp đặt ống nước sinh hoạt cho hộ dân khu vực Công ty Mười với giá cao và phản ánh việc thu phí nước thải khi chưa xây dựng mương, cống là không hợp lý.

Tính đến nay, Công ty Cấp thoát nước Kiên Giang đã lắp đặt miễn phí toàn bộ hệ thống ống nhánh bao gồm cả đồng hồ nước cho trên 1.000 hộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ khu vực Công ty Mười trong các hẻm cụt nằm sâu bên trong các con hẻm nhỏ nên Công ty chưa có điều kiện đầu tư. Thực tế đã có 45 hộ sinh sống trong 6 con hẻm cụt mong muốn sớm được sử dụng nước sạch nên đã thống nhất và tự nguyện cùng nhau đầu tư các tuyến ống phụ với tổng chiều dài 227 mét, kinh phí đầu tư là 11,62 triệu đồng và Trạm cấp nước Kiên Lương đã thiết kế, thi công các tuyến ống phụ này, đồng thời lắp đặt miễn phí toàn bộ hệ thống ống nhánh bao gồm đồng hồ nước vào đến các hộ dân. Do vậy, các hộ dân nêu trên vẫn được miễn phí lắp đặt toàn bộ hệ thống ống nhánh và đồng hồ nước nhưng có tự nguyện tham gia đầu tư các tuyến ống phụ để sớm được sử dụng nước sạch.

Ngày 26/11/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2012/QĐ-UBND ban hành chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định cụ thể đối tượng phải nộp phí và không nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, cụ thể quy định mọi tổ chức, cá nhân có nước thải sinh hoạt ra môi trường do đơn vị khai thác nước sạch cung cấp đều thuộc đối tượng chịu phí và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt. Việc đầu tư mới, nạo vét cống rãnh sẽ sử dụng từ kinh phí thu được. Qua phản ánh của cử tri, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát, xây dựng mương, cống thoát nước, đảm bảo vệ sinh môi trường.

X. Về an ninh trật tự

Cử tri huyện Tân Hiệp đề nghị ngành chức năng tỉnh có văn bản quy định xử lý nghiêm đối tượng thanh, thiếu niên hít keo. Nếu chỉ xử lý hành chính, giao cho gia đình quản lý thì không thể ngăn chặn được đối tượng này.

Hiện nay, biện pháp xử lý đối với số thanh, thiếu niên hít keo gặp khó khăn, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định xử lý; các loại keo này bán công khai trên thị trường. Việc này, Công an tỉnh đã báo cáo, đề xuất Bộ Công an nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn xử lý. Trong khi chờ hướng dẫn, UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiến hành nhiều biện pháp từ việc khảo sát, nắm, quản lý đối với số thanh, thiếu niên nghiện hít keo; chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, nhà trường, gia đình gọi giáo dục và cả biện pháp răn đe./.

Trung Kiên ghi

Số lần đọc: 2459
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan