30.09.2019
Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Thăng cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự tại điểm cầu Kiên Giang.
Giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018, trong đó, giải ngân vốn TPCP và ODA đều đạt thấp. Có 7 Bộ, ngành và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ, ngành và 4 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 30%. Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự như các năm trước, tỉ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh nguyên nhân do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân gồm một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Một số quy định sau một thời gian thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế như quyết định đầu tư phải trước 31/10 năm trước, tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư, cho phép giải ngân vốn 2 năm, bãi bỏ quy định Thường trực HĐND được ủy quyền... cần được tháo gỡ. Việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài... Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, những nỗ lực của các đơn vị trong việc cải thiện tình hình. Tuy nhiên, việc giải ngân chậm cần tiếp tục được tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, ngoài tiến độ phải chú ý đến chất lượng công trình, không được làm dối, làm ẩu; nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị đầu tư, giám sát công tác đầu tư. Các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ tập trung xử lý, đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất cao quan điểm chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ, kiên quyết, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019; đồng thời xử lý kịp thời đối với những vi phạm, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức gây chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công... Yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện, nỗ lực để giải ngân tối đa số vốn được giao. Đối với những dự án trọng điểm, cấp bách yêu cầu chính quyền các địa phương cần quyết liệt hơn nữa; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng đổ lỗi giữa các cơ quan, đơn vị.
Bùi Kiên
Số lần đọc: 2186
Website Kiên Giang |
Tin liên quan
|