Tin nóng
12.04.2016
Quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc 2 xã Nam Du và An Sơn. Sau đảo ngọc Phú Quốc, thời gian gần đây, nơi này trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, cho thấy tiềm năng du lịch của quần đảo Nam Du được đánh thức.
Bãi biển Hòn Mấu (Nam Du)

“Hạ Long phương Nam” là cách gọi khác của nhiều khách du lịch khi đến quần đảo Nam Du. Vẻ đẹp thiên nhiên còn vẹn nguyên nét hoang sơ, với rừng nguyên sinh trên các hòn đảo, bầu không khí trong lành, thoáng đãng và những bãi cát vàng, cát trắng mịn màng ngâm mình dưới làn nước biển xanh… tạo nên “bức tranh Nam Du sơn thủy hữu tình” làm say đắm, xao động lòng người. Trong 3 tháng đầu năm nay, Nam Du đón gần 20.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ông Trần Văn Du, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Du cho biết: “Khách du lịch đến Nam Du khoảng hai năm trở lại đây, đông nhất từ đầu năm 2016 đến nay, bình quân 500 - 700 lượt khách mỗi ngày. Nam Du phải lòng du khách tìm đến chính là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ của quần đảo, môi trường sạch, làn nước biển trong xanh và đặc sản thủy sản tươi ngon đậm đà hương vị biển. Kế đến là nghề nuôi cá lồng bè trên biển của ngư dân tạo cho du khách sự khám phá, trải nghiệm nghề truyền thống này của Nam Du với bao điều thú vị.”

Năm 2015, Nam Du đón hơn 47.000 lượt du khách đến. Các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đã thiết kế những tour, tuyến đưa du khách đến Nam Du ngày càng nhiều hơn. Hướng dẫn viên du lịch Trần Văn Tâm, Công ty Du lịch Sa Mon, thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Tôi đưa khách đến Nam Du hơn 10 lần và hầu như mọi người đều chung nhận xét, quần đảo này giống với Vịnh Hạ Long, phong cảnh đẹp, hoang sơ và hùng vĩ. Họ rất thích thú khi tắm biển, tắm nắng, lặn ngắm san hô, ngồi thuyền du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên rừng - biển, thưởng thức đặc sản thủy sản và ghé thăm những lồng bè nuôi cá trên biển của ngư dân.” Bác Nguyễn Hồng Kỳ, du khách ở thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên đặt chân đến Nam Du chia sẻ: “Thật ấn tượng ! So với những nơi tôi đi du lịch như Nha Trang, Vũng Tàu thì đảo Nam Du còn hoang sơ, bãi biển rất đẹp, môi trường không bị ô nhiễm. Người dân ở đây thân thiện, cuộc sống yên bình, không xô bồ, bon chen, giá cả sinh hoạt hợp lý, không đắt đỏ như nhiều nơi khác và tuyệt vời cho một chuyến tham quan, du lịch của gia đình.”

Du thuyền tham quan quần đảo Nam Du

Du lịch trên đà phát triển đã góp phần tích cực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Nam Du. Mũi nhọn kinh tế thủy sản với nghề khai thác đánh bắt và nuôi cá lồng bè trên biển năm 2015 đạt tổng giá trị sản xuất hơn 264 tỷ đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên đáng kể, không còn hộ nghèo, chỉ còn một số hộ cận nghèo. Hơn 93% hộ gia đình, tương đương 721 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Nam Du hiện nay đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Ra đảo lập nghiệp từ những năm đầu thập niên 90, ông Nguyễn Thiện Hải ở ấp An Phú, xã Nam Du cho hay: “Cách đây 25 năm, ngày tôi đặt chân đến đây, Nam Du chỉ là quần đảo hoang vắng, ít người biết đến, dân cư thưa thớt, cuộc sống thiếu thốn mọi bề, không điện, không đường giao thông. Hiện nay, Nam Du đổi thay và phát triển rất nhiều dù chưa thể so sánh với đất liền, nhất là khoảng 3 năm trở lại đây khi khách du lịch tìm đến Nam Du tham quan, du lịch ngày càng nhiều hơn. Khách du lịch đến tạo cho cư dân Nam Du có công ăn việc làm, thu nhập và mức sống nâng lên. Người dân Nam Du tinh thần thoải mái hơn, có điều kiện giao lưu, học hỏi ở khách du lịch trong và ngoài nước về văn hóa ứng xử, phong cách sống, cách ăn mặc và dân đảo Nam Du rất phấn khởi, như thấy không còn xa với đất liền.”

Đi cùng với sự phát triển, du lịch nơi quần đảo Nam Du còn nhiều những bất cập cần quy hoạch, đầu tư đồng bộ của ngành chức năng tỉnh Kiên Giang. Đó là du lịch phát triển tự phát, chưa quy hoạch mang tầm chiến lược; hệ thống nhà nghỉ thiếu hụt, không đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của du khách; các bãi tắm chưa được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, chủ yếu do hộ dân tự khai thác kinh doanh dịch vụ và trước nguy cơ ô nhiễm rác, không đội cứu hộ, cứu nạn. Tiếp đến, hệ thống cung cấp điện hạn chế, không thường xuyên liên tục 24/24 giờ, nước ngọt thiếu hụt nghiêm trọng vào mùa khô, ảnh hưởng bất lợi đến sinh hoạt của khách du lịch. Hệ thống y tế chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho nhân dân và du khách khi đến đảo. Ông Trần Văn Du, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Du cho biết: “Du khách đến Nam Du thích nhất là tắm biển. Để đảm bảo an toàn, xã kêu gọi chủ đất có bãi tắm làm các phao dây nổi để cảnh giới du khách, hạn chế bơi ra xa khi tắm biển. Trong phục vụ vận chuyển khách du lịch tham quan quần đảo thường xuyên kiểm tra các phương tiện về kỹ thuật, trang bị phao cứu sinh, cứu hộ. Khó khăn của khách du lịch đến Nam Du là tàu cao tốc từ đất liền ra không ghé được tại xã Nam Du do không có cầu cảng mà cặp bến bên An Sơn nên khách phải đi ghe trung chuyển qua Nam Du rất bất tiện.”

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, Nam Du quy hoạch phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường, bền vững. Chú trọng quản lý bảo vệ và phát triển rừng, vừa tạo thêm cảnh quan môi trường xanh đẹp, vừa giữ nguồn nước ngầm ngọt mát trên đảo. Trước mắt, Nam Du quy hoạch xây dựng đường giao thông quanh đảo; đầu tư hai bến cặp tàu và lấn biển để giãn dân; xây dựng bãi rác thải, đê chắn sóng và hệ thống hồ chứa nước ngọt đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho cư dân, phục vụ khách du lịch khi đến Nam Du, nhất là trong mùa khô hạn. “Nam Du đang vận động, kêu gọi những hộ dân sinh sống trên đảo có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư xây dựng hệ thống nhà nghỉ , đóng mới du thuyền phục vụ du khách. Mặt khác, dự kiến năm 2017, điện lưới quốc gia được kéo ra đảo và xây dựng hệ thống hồ chứa, trạm cung cấp nước ngọt hoàn thành đồng bộ sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch quần đảo Nam Du hiệu quả hơn.” - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Du Trần Văn Du chia sẻ./.

Bài và ảnh: Lê Huy Hải

Số lần đọc: 9575
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan