Tin nóng
31.12.2015
Trong 2 ngày (28, 29-12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Tham dự tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh Kiên Giang có đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
Hình ảnh tại điểm cầu Kiên Giang

Hội nghị đã nghe Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Theo Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả năm 2015 chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất kể từ năm 2001; tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước ước đạt 6,68%, mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm nay và cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6,2%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao nhất với gần 23 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân lên tới 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu chỉ đạt trên 162 tỷ USD, tức chỉ tăng hơn 8% so với mục tiêu là 10%, chủ yếu do xuất khẩu dầu thô và nông sản giảm mạnh, còn nhập siêu chỉ trên 3 tỷ USD…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm qua, bên cạnh thuận lợi rất cơ bản do thành tựu của công cuộc đổi mới đem lại, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Bên ngoài, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh của thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường mà chúng ta phải ứng phó, trong đó nổi lên là kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo; giá dầu thô giảm sâu, giảm tới mức không thể lường trước được; đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá; một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng; tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông... đã tác động tiêu cực đến nước ta.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh như trên, song bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị, nhìn lại năm 2015 cũng như 5 năm qua, kinh tế-xã hội của nước ta tiếp tục có chuyển biến tích cực; đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực từ về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế đến giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng-an ninh, cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó nổi lên là năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, của sản phẩm còn thấp so với mong muốn, nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, cho quốc phòng, an ninh còn rất hạn hẹp. Đây là thách thức rất lớn.

Thực hiện nhiệm vụ năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra, đó là:

Trước hết phải tiếp tục đảm bảo và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Đồng thời, từng bộ ngành, địa phương phải triển khai thực hiện bằng những hành động cụ thể, giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thực hiện 3 đột phá chiến lược:

Thứ nhất, không ngừng hoàn thiện thể chế để một mặt quản lý Nhà nước được chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả hơn, mặt khác là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân làm ăn, sinh sống, phát triển sản xuất kinh doanh cũng như tăng khả năng huy động và sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn cho phát triển, đây cũng là đóng góp tích cực vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng, trong thực hiện đột phá này phải hết sức chú ý xây dựng, tạo ra cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ xã hội, không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Thứ ba, đột phá về nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực cao, đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

Giải pháp thứ 2 là: Tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân… theo phương châm triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các giải pháp, không coi nhẹ lĩnh vực nào, trong đó cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, gắn với cân đối, huy động các nguồn lực, đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả 2 chương trình này.

Giải pháp thứ 3 là: Tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, quan tâm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước nhằm tăng tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, giảm thời gian, công sức cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Giải pháp thứ 4 là: Tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài cả về vốn, thị trường, kinh nghiệm quản lý để phục vụ cho các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

Giải pháp thứ 5 là: Không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng-an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Giải pháp thứ 6 là: Phát huy quyền làm chủ của người dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị…, qua đó tạo đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Sau cùng là: Từ những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường sự phối hợp, nâng cao năng lực, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chung về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.

Xuân Nghi

Số lần đọc: 3504
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan