Tin nóng
27.03.2018
Tỉnh Kiên Giang quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 theo hướng bền vững, tăng trưởng cao, thân thiện môi trường; phát triển mạnh, đổi mới nhanh doanh nghiệp công nghiệp, nâng cao tính tập trung về quy mô sản xuất kinh doanh, tiềm lực tài chính và sức cạnh tranh.
Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu - Ảnh minh họa

Theo quy hoạch phát triển này, mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2020 đạt hơn 62.000 tỷ đồng; năm 2025 đạt 118.443 tỷ đồng, tăng trưởng 13,8%/năm (2021 - 2025); năm 2030 đạt hơn 221.362 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 12,28%/năm (2026 - 2030). Giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động tại địa phương. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 hơn 21.634 tỷ đồng, năm 2025 trên 38.600 tỷ đồng và năm 2030 khoảng 64.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp đến năm 2030 khoảng 450.000 tỷ đồng.

     Tỉnh Kiên Giang chủ động hợp tác và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất công nghiệp của vùng, miền, cả nước, khu vực và quốc tế. Đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành, lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn có lợi thế về tài nguyên như sản xuất xi măng, chế biến nông, lâm, thủy sản và về nguồn nhân lực như dệt may, da giày. Phát triển mạnh, đầu tư có trọng điểm đối với nhóm công nghiệp hạ tầng điện, nước, môi trường,… công nghiệp cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu; thu hút đầu tư công nghiệp hóa dược, hóa dầu. Phát triển các khu, cụm công nghiệp và làng nghề tiểu thủ công nghiệp phù hợp với thế mạnh của mỗi tiểu vùng.

     Theo đó, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí phục vụ các ngành nông và ngư nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến tinh nông, thủy sản theo hướng xuất khẩu,… Tiểu vùng Tây sông Hậu phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, ưu tiên thu hút công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, lắp ráp cơ - điện tử,… Tiểu vùng U Minh Thượng phát triển công nghiệp phục vụ nghề cá, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, ưu tiên phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động và các dự án điện khí và khí áp thấp. Tiểu vùng hải đảo ưu tiên phát triển công nghiệp gắn với kinh tế biển và du lịch, trọng tâm là công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp hỗ trợ ngành dầu khí.

     Thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, tỉnh tranh thủ tối đa nguồn vốn ngân sách Trung ương, các chương trình, đề án quốc gia về khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu,…; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và huy động nhiều nguồn lực tài chính hợp pháp khác.

     Cùng với đó, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý nhà nước hoạt động công nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, sản xuất kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; giải pháp về khoa học công nghệ; phát triển tài nguyên, nguyên liệu cho công nghiệp; phát triển thị trường; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; các giải pháp liên kết và phát triển bền vững; tái cấu trúc sản phẩm công nghiệp và doanh nghiệp công nghiệp,…

     Tỉnh triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và phát triển hiện hành của Trung ương và của tỉnh. Cụ thể hóa, đề xuất điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách về phát triển khoa học - công nghệ; ứng dụng và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, khu công nghệ cao; chính sách về giá đất, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tập trung trong các khu, cụm công nghiệp,… ./.

Lê Huy Hải

Số lần đọc: 1549
WebSite Kiên Giang
Tin liên quan