Tin nóng
20.10.2017
Đó là Hội nghị chuyên đề do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh tổ chức sáng ngày 18 tháng 10 năm 2017, trực tuyến với các địa phương về thực trạng, phương hướng sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Hội nghị do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng chủ trì.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng chủ trì hội nghị.

Kiên Giang có diện tích tự nhiên 634.627 ha, trong đó đất trồng lúa 357.495 ha được chia thành các vùng sinh thái gồm: Vùng Tứ giác Long Xuyên đất bị nhiễm phèn mặn, bị lũ hàng năm, ven biển bị nhiễm mặm; vùng Tây sông Hậu đất bị nhiễm phèn, nước ngọt quanh năm, bị ảnh hưởng lũ sông Mekong; vùng U Minh Thượng đất bị nhiễm phèn, mặn, vào mùa khô thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập, canh tác chủ yếu nhờ vào trời mưa.

Đất trồng lúa tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn 2001-2014 luôn theo xu thế tăng và mở rộng diện tích; chú trọng thâm canh tăng vụ để khai thác hiệu quả quỹ đất. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến năm 2020 và những năm tiếp theo, khả năng mở rộng diện tích lúa không nhiều, áp lực về nâng cao hiệu quả sử dụng đất để tạo giá trị cao, phát triển bền vững, nhằm mang lại thu nhập cao, ổn định cho người trồng lúa ngày càng lớn. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa một cách phù hợp; đồng thời chú trọng ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, tạo ra giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

* Về sản xuất lúa:

Tính đến năm 2017, toàn tỉnh có diện tích đất lúa khoảng 395.820 ha, tăng 18.453 ha so với năm 2010, tập trung chủ yếu ở các huyện: Hòn Đất, Giồng Riềng, An Minh, Tân Hiệp, Giang Thành, An Biên, Gò Quao, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Lương, Giang Thành, thành phố Rạch Giá và thị xã Hà Tiên. Từ năm 2016 đến nay đã chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi tôm trên 10.000 ha.

Năm 2001 đến năm 2016, Kiên Giang dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa, hiện chiếm 10,1% sản lượng lúa cả nước; sản lượng lúa của tỉnh đạt cao nhất vào năm 2015 với sản lượng đạt trên 4.642.000 tấn. Liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất lúa ngày càng phát triển nhân rộng, cơ cấu giống trong sản xuất, nhất là giống lúa chất lượng cao tăng cao. Vụ Đông Xuân 2016-2017 và vụ Hè Thu, Thu Đông 2017, phát triển được 167 cánh đồng lớn, diện tích 62.539 ha, đã có 51.246 ha được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; các mô hình hợp tác và hợp tác xã được củng cố, kiện toàn và phát triển, nhiều hợp tác xã, trang trại được tăng cường đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực và hiệu quả hoạt động, đặc biệt một số doanh nghiệp tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc của hợp tác xã, điển hình như Hợp tác xã Vinacam - Hòn Đất. Tỷ lệ lúa giống chất lượng cao tăng từ 64,61% vụ Hè Thu 2016 lên 73,68% năm 2017, tỷ lệ nông dân sử dụng lúa cấp xác nhận chiếm từ 35-40%.

Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, hạn hán, mặn xâm nhập làm cho diện tích, năng suất và sản lượng lúa của tỉnh giảm dần: năm 2016, diện tích giảm 3.431 ha, năng suất giảm 0,6 tấn/ha, sản lượng giảm 481.206 tấn; năm 2017, diện tích giảm 41.222 ha, năng suất dự kiến giảm 0,12 tấn/ha so với cùng kỳ, sản lượng ước 4.051.896 tấn, giảm 468.493 tấn so với kế hoạch và bằng 97,36% so với cùng kỳ. Tập quán sản xuất trong dân chưa thay đổi nhiều, một số chưa chấp hành tốt lịch thời vụ, đại bộ phận nông dân còn quen với sạ dày (chiếm 74,64% diện tích); năng lực sản xuất giống còn hạn chế; một số chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp còn thiếu bền vững; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên khó xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm nên khó khăn trong khâu liên kết tiêu thụ… từ đó hiệu quả sản xuất từ trồng lúa, cũng như sản xuất của ngành nông nghiệp chưa cao và thiếu bền vững.

* Về nuôi trồng thủy sản:

Nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang tập trung ở 3 vùng chủ yếu: vùng Tứ giác Long Xuyên tập trung phát triển loại hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; vùng U Minh Thượng phát triển nuôi tôm - lúa luân canh, nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến; vùng biển đảo Phú Quốc - Kiên Hải và các xã đảo thuộc huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên phát triển nuôi cá lồng bè và các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.

Năm 2016 diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh 221.880 ha, sản lượng 196.049 tấn, so với năm 2010, diện tích tăng gấp 1,86 lần, sản lượng tăng gấp 2 lần, trong đó, diện tích diện tích nuôi tôm 100.885 ha, sản lượng 52.210 tấn, tăng gấp 1,63 lần. Năm 2017, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 230.345 ha, sản lượng thu hoạch 180.383 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 116.675 ha, sản lượng 57.189 tấn; nuôi nhuyễn thể 21.005 ha, sản lượng 59.308 tấn; cua biển 60.248 ha, sản lượng 15.910 tấn; cá lồng bè 2.842 lồng, sản lượng 2.349 tấn và một số loài hải sản khác.

Toàn tỉnh có 390 cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương, dưỡng thủy sản, trong đó có 25 cơ sở sản xuất tôm sú giống; đến nay đã sản xuất được trên 3,143 triệu tôm giống, đáp ứng 39,29% giống thả nuôi.

Tuy nhiên, do năng lực sản xuất tôm, cá giống của tỉnh còn hạn chế, một số loài như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá biển… phải nhập từ nhiều nơi, công tác kiểm dịch có lúc chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, con giống chất lượng thấp… sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cho người nuôi.

Để ngành nông nghiệp của tỉnh sản xuất bền vững hơn nữa trong thời gian tới, các sở, ngành và địa phương cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thủy lợi và điện cho sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học cho sản xuất; đẩy mạnh việc liên kết, đầu tư theo chuỗi sản xuất như kho chứa, tham gia xây dựng thương hiệu; nghiên cứu sản xuất, nhân giống để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường; tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi tập quán sản xuất của người dân, nhất là nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; chủ động, linh hoạt sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, nhất là xúc tiến đầu tư công nghiệp chế biến; thực hiện tốt chiến lược như: Tiết kiệm tối đa chi phí trong sản xuất (như nước, phân bón, giống); đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất để phù hợp với nhu cầu của thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhằm nâng hiệu quả sản xuất; tiếp tục rà soát quy hoạch thích ứng với từng tiểu vùng, quy hoạch hệ thống thủy lợi phục vụ đa mục tiêu; nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới; cơ cấu lại sản xuất theo hướng giảm dần sản xuất lúa vụ 3; chuyển đổi sang một số cây trồng tiết kiệm nước, sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày và hướng đến xuất khẩu. Đẩy mạnh các hình thức để hình thành cánh đồng mẫu lớn và giống chất lượng để xuất khẩu. Nâng cao năng lực sản xuất giống thủy sản, gắn với tăng cường công tác kiểm dịch giống nhằm đảm bảo nguồn giống có chất lượng khi thả nuôi; đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng bè ven các đảo, thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thủy sản cũng như phát triển bền vững ngành nông nghiệp của tỉnh./.

Minh Hoàng

 
 
Số lần đọc: 2695
Theo Website Kien Giang
Tin liên quan