Tin nóng
13.10.2016
Ngày 10/10, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Huỳnh chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày báo cáo tại hội nghị.

Trong 5 năm qua (2011-2015), tổng vốn đầu tư đã được huy động trên địa bàn tỉnh luôn tăng lên, riêng 2015 là 40.670 tỷ đồng. Đến nay đã có 100% xã khó khăn và đặc biệt khó khăn có đường đến trung tâm huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 60% ấp có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt trên 95%, tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 85%; tỷ lệ xã có đủ trường mẫu giáo theo quy định đạt 84,82%; tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 63%; các công trình thiết yếu khác được lồng ghép đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và huy động xã hội hóa để từng bước phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, đời sống dân sinh và phù hợp với quy hoạch dân cư ở các xã khó khăn.

Đã có hơn 92.798 lượt hộ nghèo được Ngân hành Chính sách cho vay 861,5 tỷ đồng, bình quân gần 10 triệu đồng/hộ. Toàn tỉnh đã cấp 415.660 thẻ BHYT cho người nghèo, đạt tỷ lệ 100% với tổng kinh phí 218 tỷ đồng; hỗ trợ người cận nghèo mua 389.429 thẻ BHYT với tổng kinh phí là 203 tỷ đồng. Từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, ngân sách nhà nước đã chi 220 tỷ đồng để miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 312.000 lượt học sinh. Toàn tỉnh có 28 cơ sở dạy nghề với 67 ngành nghề đào tạo đã tổ chức đào tạo trên 192.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào nghề tăng từ 28,35% năm 2011, đạt 43% năm 2015. Qua 05 năm đã có 56.827 người được hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn (trong đó có 5.076 lao động thuộc hộ nghèo, 4.955 lao động thuộc hộ cận nghèo và 11.678 lao động người dân tộc thiểu số); có 70% sau khi học nghề có việc làm, thu nhập ổn định từ các doanh nghiệp tuyển dụng và tự tạo việc làm; số hộ nghèo có người học nghề thoát nghèo 1.359 hộ. Trong 5 năm, đã tạo việc làm cho 165.545 lượt lao động (trong đó xuất khẩu lao động 452 người) tạo thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động.

Thực hiện trợ giúp pháp lý 22.000 vụ việc cho 20.000 người. Thực hiện 186 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 135 xã, phường, thị trấn; địa bàn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và nơi có điểm nóng về bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng. Qua đó, giúp người nghèo thực hiện đúng pháp luật.

Tổ chức triển khai thực hiện 122 chương trình, dự án với tổng kinh phí 67.771 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp của tỉnh. Tổ chức 3.921 lớp tập huấn với 128.783 lượt nông dân tham dự; xây dựng hàng trăm mô hình khuyến nông, khuyến ngư để chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân; tổ chức trên 300 cuộc hội thảo với trên 10.000 lượt người tham dự.

Trong 5 năm, toàn tỉnh đã cất mới 17.056 căn nhà, trong đó hỗ trợ theo Chương trình 167 là 10.556 căn với kinh phí hơn 203,75 tỷ đồng, bình quân trên 20 triệu đồng/căn; bằng nguồn huy động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là 6.500 căn và sửa 1.250 căn.

Với những kết quả trên, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,48%/năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,62%/năm, bình quân giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,52%/năm. Theo rà soát thì đầu giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 41.202 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 9,78%; 13.699 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo 3,25%.

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 1%-1,5%/năm (riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 2%/năm), hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 1,5%-2% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020; giảm nghèo cho các hộ nghèo về thu nhập (28.151 hộ), hộ nghèo do thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (13.051 hộ); cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo toàn tỉnh tăng lên 2 lần so với cuối năm 2015. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như chính sách phát triển sản xuất, đất sản xuất; chính sách tín dụng ưu đãi; chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế; giáo dục và đào tạo; nhà ở; nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin; giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng... Giải quyết một cách cơ bản về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sinh hoạt. Phấn đấu đến năm 2020, giảm ít nhất 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc (xã Chương trình 135).

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Huỳnh yêu cầu các ngành, các cấp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân để phấn đấu thoát nghèo và tránh tái nghèo. Thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo để có chính sách hỗ trợ phù hợp./.

Đỗ Xuân

Số lần đọc: 2099
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan