Tin nóng
12.08.2015
Trong hai ngày 10-11/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Bùi Nguyên Súy, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn thi đã tiếp và làm việc với đoàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn thi đã tiếp và làm việc với đoàn.

Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Khắc Ghi, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương có liên quan.

Từ khi Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân và Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ, quy định quy trình tiếp công dân có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai, phổ biến các văn bản nêu trên đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành tỉnh; gắn với tổ chức 71 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức và nhân dân, có 3.013 lượt người tham dự.

Trong thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh nói chung cơ bản ổn định, đơn khiếu nại, tố cáo giảm, tuy nhiên trên địa bàn một số huyện đơn khiếu nại có tăng. Bên cạnh đó, các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông nguời tại huyện U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Luơng, Giang Thành vẫn còn tiếp diễn. Tổ chức tiếp công dân định kỳ và đột xuất được 335 lượt với 905 người. Qua tiếp dân, nhận 4.330 đơn, trong đó có 4.061 đơn khiếu nại các loại, chủ yếu khiếu nại đối với các phương án giải tỏa, bồi thường; khiếu nại đòi lại đất cũ; phản ánh việc giao cấp đất không đúng đối tượng; tranh chấp đất đai; tranh chấp dân sự…

UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt Luật Tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn thi hành và kiện toàn, thành lập Ban Tiếp công dân theo quy định; việc xử lý đơn đã khắc phục được tình trạng chồng chéo, gây phiền hà cho người đi khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại, giải thích chính sách, pháp luật, hạn chế được việc phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp, nhất là những vụ việc tái khiếu nại và vụ việc phức tạp, kéo dài, nhiều vụ việc sau khi đối thoại đã rút đơn, chấm dứt khiếu nại.

Bên cạnh đó, cũng còn một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm chú trọng đến công tác tiếp công dân; công tác phối hợp giải quyết khiếu nại đông người giữa các ngành chức năng, địa phương chưa chặt chẽ, còn lúng túng, chưa phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu; một vài nơi thực hiện giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ thấp, lượng đơn khiếu nại còn tồn đọng nhiều, đặc biệt là đơn khiếu nại các phương án giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (chủ yếu là ở cấp huyện); một số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Nguyên Súy, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đánh giá cao những kết quả tỉnh Kiên Giang đã đạt được trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, đặc biệt là từ khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực. Công tác điều hành chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện, do đó, mặc dù trên địa bàn số đơn khiếu nại, tố cáo còn nhiều nhưng chưa xuất hiện điểm nóng về khiếu nại, khiếu kiện. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, nhất là khiếu nại đông người. Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kiên Giang về thời hiệu, khiếu nại đòi lại đất, hướng dẫn quy trình thủ tục giải quyết khiếu nại đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai các thời kỳ, Đoàn công tác sẽ tiếp thu và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét./.

Đỗ Xuân

Số lần đọc: 1893
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan