20.06.2018
Ngày 7-6, UBND tỉnh Kiên Giang công bố Quyết định số 388/QĐ-TTg, ngày 10/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng dự và chỉ đạo hội nghị (ảnh).
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh: Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm xây dựng Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển năng động, toàn diện, đạt trình độ phát triển khá trong cả nước; có kết cấu hạ tầng đồng bộ; đa số người dân thích nghi được với điều kiện biến đổi khí hậu và môi trường; các doanh nghiệp của tỉnh phát huy được cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế. Kiên Giang đóng góp quan trọng xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh vững chắc. Tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả quyết định này của Thủ tướng Chính phủ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đối với kinh tế, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 tăng khoảng 7,5 - 8%/năm, thời kỳ 2020 - 2030 tăng khoảng 8 - 9%/năm. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.855 - 2.930 USD và năm 2030 khoảng 8.100 - 9.300 USD. Xuất khẩu 780 - 1.000 triệu USD, thu ngân sách 10.000 tỷ đồng vào năm 2020… Tiếp đến, văn hóa - xã hội đến năm 2020, dân số hơn 1,8 triệu người; giải quyết việc làm cho 35.000 - 40.000 lượt người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo 67%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%; 90% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; hơn 85% dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới 50%; hộ dân sử dụng điện 99%, nước sạch và hợp vệ sinh 90%… Theo điều chỉnh quy hoạch này, tỉnh Kiên Giang xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu; quản lý khai thác tài nguyên đất, nước, rừng, nhất là rừng ngập mặn vùng ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển nông - lâm - thủy sản bền vững. Phát triển các ngành khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản ven biển, quanh đảo. Hoàn thiện và xây dựng mới kết cấu hạ tầng nghề cá ở ven bờ và các đảo lớn. Hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, giai đoạn 2016 - 2030, tập trung xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào 2 khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), Thuận Yên (Hà Tiên), phát triển thêm khu công nghiệp Xẻo Rô (An Biên) và hình thành một số cụm công nghiệp ở những nơi có đều kiện. Đẩy mạnh hoạt động thương mại khu vực biên giới cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cửa khẩu quốc gia Giang Thành, gắn kết với Phú Quốc, các trung tâm đô thị Kiên Lương và Rạch Giá để hình thành các cực tăng trưởng năng động của tỉnh, làm hạt nhân lan tỏa sang các khu vực phụ cận. Đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng 4 vùng du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường liên kết du lịch Kiên Giang với du lịch quốc tế, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, Kiên Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách dân số, lao động, việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sông người dân; phát triển giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; phát triển văn hóa, thể dục, thể thao; thực hiện các chính sách an sinh xã hội,… Phát triển khoa học, công nghệ, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tỉnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông vận tải cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không; thủy lợi trên các vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng; viễn thông, lưới điện… Phát triển nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; từng bước hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trước hết đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, cơ sở giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường,… Phân vùng phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên phát triển đô thị công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ; vùng Tây sông Hậu phát triển đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trung tâm chế biến nông - thủy sản; vùng U Minh Thượng phát triển đô thị công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thương mại, dịch vụ - du lịch; vùng hải đảo phát triển đô thị du lịch sinh thái biển, đảo cao cấp,… Tỉnh xây dựng và phát triển Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo cực tăng trưởng và tác động lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách có tỉnh vượt trội để thu hút các nhà đầu tư lớn, có tầm nhìn dài hạn phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với 3 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính ngân hàng; kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển, đảo là khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh, xây dựng Kiên Giang là tỉnh khá về phát triển kinh tế biển của cả nước. Tập trung vào 5 lĩnh vực: nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản; du lịch biển, đảo; khu kinh tế và khu đô thị ven biển; công nghiệp năng lượng gắn với dự án khí lô B - Ô Môn; kinh tế hàng hải. Theo điều chỉnh quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 215.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 960.000 - 1.090.000 tỷ đổng. Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về vốn đầu tư phát triển; nguồn nhân lực; xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; khoa học, công nghệ; hợp tác, liên kết trong nước, quốc tế, thu hút đầu tư,… để thực hiện điều chỉnh quy hoạch này. Tin và ảnh: Lê Huy Hải
Số lần đọc: 1833
Website Kiên Giang |
Tin liên quan
|