28.08.2018
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng giá trị kế hoạch vốn vay nước ngoài (ODA) của tỉnh Kiên Giang đầu tư các lĩnh vực hơn 974.000 triệu đồng. Tuy nhiên, tổng giải ngân vốn ODA trên 1.106.685 triệu đồng, gồm: giao thông 195.581 triệu đồng, giáo dục gần 47.600 triệu đồng, y tế gần 78.000 triệu đồng, nông nghiệp - phát triển nông thôn 247.869 triệu đồng, còn lại là những lĩnh vực khác.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân giá trị giải ngân cao hơn kế hoạch vốn do một số dự án trong khoảng thời gian từ năm 2013 trở về trước được phép giải ngân theo khối lượng hoàn thành thực tế thực hiện. Cụ thể như: Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Rạch Giá; dự án quản lý thủy lợi phục vụ vụ phát triển nuôi trồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long,… Ngoài ra, nguồn vốn giải ngân được Trung ương chuyển vốn từ những tỉnh giải ngân không đạt kế hoạch cho các dự án trọng điểm, cấp bách của Kiên Giang. Tổng vốn đối ứng bố trí để thực hiện các chương trình, dự án ODA giai đoạn 2011 - 2016 hơn 264.600 triệu đồng.
Quá trình triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA đã hoàn thành, khai thác hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang. Tại một số thị trấn, thị xã và thành phố, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, xóa nhiều nhà ở tạm của người dân ở khu vực ven sông, mở rộng lộ hẽm trọng điểm, cải tạo, khai thông các kênh rạch bị tắc nghẽn, ứ đọng nước, ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe nhân dân. Tiếp đến, nhiều tuyến đường và cầu giao thông trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới và một số công trình công cộng, văn hóa, khu dân cư mới,… được xây dựng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng lên đời sống nhân dân.
Cùng với đó, các dự án xây dựng cống thủy lợi đã góp phần kiểm soát nguồn nước mặn, giữ ngọt, dẫn ngọt, tiêu úng, xổ chua phèn, kiểm soát lũ, ngăn triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm bước đầu ổn định sản xuất nông nghiệp và thủy sản bền vững, hiệu quả. Xây dựng nhiều công trình cấp nước nông thôn phục vụ người dân sinh hoạt, khắc phục tình trạng sử dụng nước sông, ao, hồ, góp phần nâng tỷ lệ dân số khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 92%. Lĩnh vực y tế, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại đã hạn chế được các rủi ro, sai sót trong chẩn đoán, khám và điều trị bệnh, giải quyết nhiều vấn đề về môi trường, xử lý chất thải, xây dựng một số bệnh viện với trang thiết bị hiện đại phục vụ chăm sóc sức khỏe, khám và chữa bệnh cho nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Bé, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cho biết qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Kiên Giang đã cụ thể hóa ban hành các văn bản quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và đầu tư xây dựng cơ bản có liên quan khá hiệu quả. Việc xây dựng kế hoạch sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, các chủ dự án thực hiện đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Cụ thể như ngành giao thông, việc xây dựng kế hoạch thực hiện vốn vay nước ngoài trên cơ sở vốn được phân bổ của từng tỉnh trong 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; ngành y tế thực hiện theo nội dung các thỏa thuận tài trợ, hiệp định tín dụng đã được ký kết,… Nhìn chung, các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA tại tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu nâng cấp hạ tầng cho địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng hiệu quả.
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tiếp tục bố trí vốn đầu tư 18 cống gần 1.500 tỷ đồng để khép kín hệ thống cống trên tuyến đê ven biển Tây, đáp ứng mục tiêu điều tiết mặn, xả lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Xem xét ưu tiên bố trí vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các dự án ở vùng bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vùng kinh tế trọng điểm, công trình liên kết vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển để ngăn sạt lở, chống xói lở bờ biển đang ngày càng diễn biến phức tạp,…./. Lê Huy Hải
Số lần đọc: 1972
Website Kien Giang |
Tin liên quan
|