Tin nóng
16.09.2016
Thực hiện Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 08/8/2016 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thạnh Lộc ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và giải quyết nguồn nhân lực tại địa phương.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm

Sáng ngày 15 tháng 9 năm 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Minh Phụng tổ chức đoàn công tác đến làm việc với Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang và Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang, tại Khu công nghiệp thạnh Lộc.

Nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Kiên Giang của Công ty Cổ phần MDF VRG Kiên Giang được thiết kế với công suất 75.000 m3/năm, với tổng vốn đầu tư 1.360 tỷ. Tỉnh Kiên Giang đã chuyển giao 3.902,8 ha đất rừng để triển khai trồng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ngày 07/4/2016, Nhà máy sản xuất ra tấm ván đầu tiên, đến nay sản lượng ván sản xuất được 11.900 m3 và đã tiêu thụ 8.500 m3, doanh thu 32 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu hiện nay được cung cấp ổn định từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng… với khối lượng nhập kho bình quân 550 đến 600 tấn/ ngày.

Ngoài ra Nhà máy đi vào sản xuất góp phần giải quyết việc làm cho hơn 236 lao động, lương bình quân là 5.500.000 đồng/người tháng; Nhà máy luôn có chính sách tốt nhất cho công nhân như thực hiện chính sách bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động, góp phần cùng tỉnh giải quyết an sinh xã hội.

Bãi tập kết gỗ nguyên liệu của Nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Kiên Giang

Kế hoạch thực hiện 4 tháng cuối năm 2016, Nhà máy sản xuất 28.000 m3, doanh thu 114 tỷ đồng và nộp ngân sách 5 tỷ, bằng các giải pháp phát triển sản phẩm và xây dựng thị trường tiêu thụ; xây dựng vùng nguyên liệu bền vững; tối ưu hóa chi phí và nâng cao công suất dây chuyền; đồng thời xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực.

Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang chính thức khánh thành đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ ngày 14/02/2016. Vốn đầu tư toàn dự án 1.200 tỷ với năng lực sản xuất hàng năm từ 10 đến 12 triệu đôi giày/năm. Nguồn nhân lực cần cho doanh nghiệp từ 9.000 đến 10.000 lao động. Đến nay Nhà máy đưa vào hoạt động 22 tổ may và 02 chuyền gò đã giải quyết việc làm cho hơn 1.355 lao động với mức lương bình quân 3.900.000 đến 4.400.000 đồng người/tháng và hỗ trợ ăn trưa cho công nhân. Ngoài ra Công ty thực hiện đúng các chính sách về bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động đến công nhân đúng quy định. Sản lượng sản xuất đến nay sản xuất được 350.000 đôi mũ giày, đạt doanh thu trên 38 tỷ đồng; dự kiến đến cuối năm 2016 sản lượng đạt 890.000 đôi mũ giày và 160.390 đôi giày thành phẩm; ước doanh thu trên 96 tỷ đồng.

Theo kế hoạch Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang, đến cuối năm 2016 đưa vào hoạt động 32 tổ may và 02 chuyền gò và sử dụng 1.750 lao động; năm 2017 đưa vào hoạt động 64 tổ may và 05 chuyền gò và sử dụng 3.600 lao động; đến cuối năm 2019 sẽ đưa vào hoạt động 128 tổ may và 20 chuyền gò và sử dụng 9.000 lao động.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và tại Khu công nghiệp nói riêng, ý thức của người lao động trong chấp hành chính sách pháp luật về lao động cũng như người lao động chưa có tác phong công nghiệp cao, như: Còn bỏ việc ngang, nghỉ vô kỷ luật, trình độ tay nghề chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy… Ngoài ra tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc hiện nay hạ tầng giao thông xuống cấp, hệ thống chiếu sáng trong, ngoài Khu chưa đảm bảo ảnh hưởng đến an ninh trật tự đối với công nhân và các nhà máy…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Minh Phụng phát biểu tại Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang.

Phát biểu tại cuộc họp với hai doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thạnh Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Minh Phụng nhấn mạnh:

UBND tỉnh Kiên Giang hoan nghênh Tập đoàn Cao su Việt Nam và Tập đoàn TBS Group đã thành lập công ty và đầu tư tại địa bàn tỉnh Kiên Giang trong Khu công nghiệp Thạnh Lộc đã góp phần cùng tỉnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp và ghi nhận những kết quả mà hai Công ty trong thời gian qua đã vượt khó để đạt kết quả như hôm nay, nhất là giải quyết lao động tại địa phương, góp phần an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Về các khó khăn của hai Công ty kiến nghị: Về an ninh trật tự, UBND huyện Châu Thành cần tiếp tục chỉ đạo và phân công lãnh đạo Công an huyện trực tiếp phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các doanh nghiệp trên trong Khu công nghiệp để giải quyết các vấn đề liên quan, trong đó cần thống nhất xây dựng kế hoạch để họp giao ban hàng tháng giữa UBND huyện, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và lãnh đạo các doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp để biết nhu cầu sử dụng lao động trên cơ sở đó chỉ đạo, phối hợp với các trường đào tạo nghề để đào tạo nghề phù hợp nhu cầu cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Kiên Giang trên cơ sở kinh phí đã cấp cần khẩn trương triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống chiếu sáng trong Khu công nghiệp để đảm bảo cho hoạt động sản xuất của các nhà máy tại đây./.

Ng.Lê Hồng

Số lần đọc: 2924
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan