Tin nóng
26.06.2014
Ngày 18/6/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hoàng Sa đã ký ban hành Quyết định số 1324/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ cây giống, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Nuôi cá lồng bè trên biển - Ảnh minh họa (H.Anh)

Phạm vi điều chỉnh của quyết định là:

Các loại thiên tai gây thiệt hại trực tiếp đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản bao gồm: Bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; rét đậm, rét hại kéo dài.

Các loại dịch hại, dịch bệnh nguy hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản bao gồm: rầy nâu; bệnh vàng lùn, lùn sọc đen, lùn xoắn lá; bệnh chồi cỏ mía, chổi rồng; bệnh cúm gia cầm; bệnh lở mồm long móng; bệnh tai xanh ở heo; bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng đối với tôm sú, tôm chân trắng; bệnh hội chứng Taura đối với tôm chân trắng.

Ngoài ra, đối với các loại dịch hại, dịch bệnh nguy hiểm khác mới xuất hiện (chưa xác định được tác nhân gây bệnh) nhưng có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng, gây chết hàng loạt được các đơn vị chuyên ngành trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh công bố dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vào danh mục cần phải công bố dịch.

Đối tượng được áp dụng là:

Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

Thời gian hỗ trợ:

Đối với thiên tai: Kể từ ngày thiên tai xảy ra trên từng địa bàn cụ thể theo quyết định công bố loại thiên tai của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.

Đối với dịch bệnh nguy hiểm: Kể từ ngày có quyết định công bố dịch trên địa bàn đến khi có quyết định công bố hết dịch của cơ quan có thẩm quyền.

Mức hỗ trợ đối với cây trồng:

Bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm tùy theo diện tích bị thiệt hại, loại cây trồng, có mức hỗ trợ khác nhau từ 1.000.000đ đến 20.000.000đ

Thiệt hại do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa (theo Thông tư số 53/2010/TT-BTC ngày 14/4/2014 của Bộ Tài chính)

Chi hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân có diện tích lúa bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mức 4.000.000 đồng/ha lúa bị tiêu hủy.

Hỗ trợ 12 kg gạo/người/tháng để cứu đói cho các hộ nông dân có diện tích lúa bị nhiễm bệnh, thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.

Ngoài ra đối với diện tích lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh còn được hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật {theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chỉnh phủ và Thông tư số 205/2012/TT-BTC ngày 23/11/2012 của Bộ Tài chính).

Hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm:

Thiệt hại do thiên tai, tùy theo loại có mức hỗ trợ từ 20.000đ/con đến 2.000.000đ/con

Thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm (theo Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 719/QĐ-TTg ngày 5/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ).

Hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức tương đương 70% giá trị gia súc, gia cầm thương phẩm của người sản xuất bán trên thị trường, cụ thể như sau: Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với heo. Hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai. Hỗ trợ 35.000 đồng/kg con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).

Hỗ trợ đối với nuôi trồng thủy, hải sản:

Diện tích nuôi cá truyền thống bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha; thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;

Diện tích nuôi cua biển, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm - lúa luân canh bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha;

Diện tích nuôi tôm sú thâm canh bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 6.000.000đồng/ha; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha;

Diện tích nuôi tôm chân trắng thâm canh bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 22.000.000đồng/ha; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha;

Diện tích nuôi nghêu, sò huyết, sò lông bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 20.000.000đồng/ha; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha;

Diện tích nuôi cá tra, cá ba sa thâm canh bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 20.000.000đồng/ha; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha;

Lồng, bè nuôi bị thiệt hại từ 30-70% hỗ trợ 7.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/100 m3 lồng.

Căn cứ phương thức, đối tượng nuôi, mật độ thả theo định mức kỹ thuật nuôi và thiệt hại thực tế về giống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho các hộ nuôi các loại thủy sản cùng nhóm đối tượng nhưng không vượt quá mức hỗ trợ được quy định trên.

Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa và giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản) thì mức hỗ trợ tương đương mức hỗ trợ bằng tiền được quy đổi theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

Điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ xem xét, giải quyết hỗ trợ được hướng dẫn cụ thể trong quy định ban hành kèm theo Quyết định 1324/QĐ-UBND ngày 18/6/2014 của UBND tỉnh./.

Bảo Ngọc

Tệp đính kèm:  1403773151425.PDF

 

Số lần đọc: 1849
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan