Tin nóng
10.01.2014
Sáng 8-1, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa 13 do ông Y Thông – Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang về công tác giáo dục dân tộc bậc trung học phổ thông.

Những năm qua, công tác giáo dục dân tộc cho học sinh nói chung và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo kịp thời của các sở, ngành trong tỉnh.

Các cấp chính quyền và ngành giáo dục với những chính sách phù hợp đã tạo điều kiện cho học sinh đồng bào dân tộc Khmer tại các vùng sâu, vùng xa, có cơ hội đến trường. Trong đó nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc Khmer, thời gian qua Kiên Giang đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy và học tại các điểm trường dân tộc.

Đa số các huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống đều có trường phổ thông dân tộc nội trú. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 626 trường từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT) với trên 328.000 học sinh; trong đó, học sinh dân tộc Khmer từ mầm non đến THPT trên 37.000 học sinh (chiếm tỷ lệ 11,8% học sinh toàn tỉnh). Các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) có nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trong những năm gần đây các trường phổ thông DTNT trong tỉnh đều đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao. Việc dạy và học chữ Khmer cho con em đồng bào Khmer được đẩy mạnh và tăng cường cả trong và ngoài hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, có rất nhiều chùa dạy chữ Khmer cho con em đồng bào trong phum sóc vào các dịp hè.

Sự đóng góp của những ngôi chùa Khmer là rất lớn trong việc giữ gìn chữ viết của đồng bào, cũng như tạo nên một phong trào học tập tại các phum sóc Khmer. Song song với việc duy trì dạy và học chữ Khmer thì chính sách cử tuyển cũng làm cơ sở cho việc tạo nguồn cán bộ, đội ngũ tri thức là người dân tộc, đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác tại địa phương. Từ năm 2010 đến năm 2012, toàn tỉnh có trên 708 sinh viên dân tộc Khmer được cử tuyển đi học tại các trường đại học, cao đẳng, sau đó quay về phục vụ công tác tại địa phương.

Tuy nhiên, công tác giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng đang nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học một số vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer chưa bảo đảm; tình trạng học sinh Khmer bỏ học vẫn còn xảy ra; chất lượng dạy và học chữ dân tộc còn thấp.

Chính sách cử tuyển chỉ tập trung vào vùng đặc biệt khó khăn (các xã theo Chương trình 135) nên không đạt chỉ tiêu đào tạo; cơ cấu ngành nghề đào tạo còn ít, gây khó khăn cho việc tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc Khmer; nhiều lao động được đào tạo nhưng không có việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo.

Trước thực trạng này, nhiều đại biểu đã đề nghị cần xác định vị trí việc làm và giao biên chế đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc tại các trường có thực hiện dạy chữ dân tộc.

Đồng thời có cơ chế chính sách tăng lương và nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy chữ dân tộc. Cần sửa đổi, bổ sung quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hỗ trợ thiết thực.

Trong đó cần thay đổi chính sách cử tuyển theo vùng tuyển như hiện nay, sang giao tỉ lệ % học sinh dân tộc trong độ tuổi/từng địa phương gắn với giảm số lượng, nâng chất lượng đầu vào đối với cử tuyển vào đại học, cao đẳng; tăng số lượng cử tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, nên giao cho địa phương chịu trách nhiệm chọn và cử tuyển đối tượng theo học các ngành học cần thiết, phù hợp với năng lực người học, giúp người học dễ tìm việc làm sau đào tạo./.

Hoài Anh

Số lần đọc: 1765
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan