Tin nóng
24.12.2013
Ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 326 lấy ngày này (26/12) làm Ngày Dân số Việt Nam. Kể từ đó, hàng năm, Ngày Dân số Việt Nam là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá những việc đã làm, những tiến bộ đã đạt được, cũng như những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải đối diện và vượt qua để đưa công tác DS-KHHGĐ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu tốt hơn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ngày 14/11/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 2013/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam (DS-SKSS) giai đoạn 2011-2020. Quan điểm của Chiến lược DS-SKSS là nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.

Thực hiện Chiến lược DS- KHHGĐ từ năm 2011- 2013, ngành Dân số tỉnh Kiên Giang đã tập trung việc thực hiện triển khai các đề án, mô hình mới tại các địa phương, nhất là việc tuyên truyền phổ biến trong nhân dân, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước và sơ sinh để phát hiện và điều trị các bệnh lý di truyền cho thai nhi. Tuyên truyền hậu quả của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tuyên truyền, tư vấn cho thanh niên về kỹ năng, kiến thức về tình yêu, sức khỏe sinh sản. Nâng cao chất lượng dân số các vùng biển đảo và ven biển, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giống nòi, tạo ra nguồn nhân lực có thể chất và tinh thần phát triển hoàn thiện.

Hiện nay việc tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện KHHGĐ, sinh ít con, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp ở các địa phương, cơ sở, được duy trì từ năm 2008 đến nay. Các huyện vùng sâu, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh đã có nhiều địa phương duy trì ổn định tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, ổn định mức sinh, liên tục nhiều năm đạt danh hiệu xã, phường không có phụ nữ sinh con thứ 3, hoặc sinh con thứ 3 dưới 5% như: Thành phố Rạch Giá, Giang Thành, An Minh. Năm 2013 toàn tỉnh có 5 xã đạt danh hiệu không có phụ nữ sinh thứ 3 gồm: Xã Vĩnh Phú (huyện Giang Thành), xã Nam Thái, Nam Thái A (huyện An Biên), thị Trấn thứ 11, xã Vân Khánh Tây (huyện An Minh). Các địa phương này trước đây là địa bàn có tỷ lệ sinh cao, công tác truyền thông khó tiếp cận. Nay đã nỗ lực vươn lên trở thành những tập thể tiên tiến trong phong trào thi đua. Đặc biệt đơn vị thị trấn Thứ 11, huyện An Minh, với thành tích 5 năm liền là địa phương không có phụ nữ sinh con thứ 3. Ngoài ra còn có 38 xã, phường, thị trấn đạt đơn vị không có phụ nữ sinh con thứ 3 dưới 5%. Có 291 địa bàn ấp, khu phố, 1.173 địa bàn quản lý của cộng tác viên không có phụ nữ sinh con thứ 3. Đây là những nền tảng vững chắc giúp công tác DS- KHHGĐ của tỉnh duy trì ổn định mức giảm sinh bền vững, là điều kiện thuận lợi cho ngành thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng giống nòi trong giai đoạn mới. Hiệu quả của việc duy trì và có nhiều địa phương đạt danh hiệu không có phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên hoặc dưới 5% đã duy trì tốt tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sanh đẻ chấp nhận KHHGĐ từ 73- 78%, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 là 4-5%/năm.

Song song với việc thực hiện mục tiêu duy trì mức giảm sinh, các mục tiêu của việc nâng cao chất lượng giống nòi, các Dự án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; Dự án “Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; Mô hình “Tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân”; Mô hình “Can thiệp, giảm thiểu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”. đã được triển khai đến 145/145 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Năm 2013 đã có 4.090 thai phụ thực hiện việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, so với năm 2012 có 2.314 thai phụ, tăng 1.176 thai phụ, tăng 50,82%. Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh đang được nhân rộng thực hiện về chuyên môn và truyền thông ở 145 trạm y tế, khoa sản bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh được kiềm chế ở mức 110,75 bé trai/100 bé gái giảm 0,25 điểm phần trăm so với năm 2012. Bộ máy hoạt động được kiện toàn theo tiêu chí mới qui định, cán bộ dân số làm việc tại Trung tâm dân số huyện, cán bộ dân số làm việc tại Trạm Y tế xã đều đạt trình độ đại học và trung cấp. Đội ngũ cộng tác viên với 2.557 người trong tỉnh, được bồi dưỡng tập huấn các nội dung mới thường xuyên, ngoài việc tuyên truyền vận động hiện nay, còn thực hiện việc báo cáo tình hình biến động dân số tại địa bàn quản lý theo mẫu, để đưa thông tin vào kho dữ liệu điện tử của huyện, tỉnh.

Đạt được những thành tích trên, trước hết là do chính sách về Dân số-KHHGĐ của tỉnh được ban hành kịp thời, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đem lại lợi ích kinh tế, tinh thần và sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời đã tác động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, các tổ chức xã hội. Ngành dân số đã được sự tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp điều hành của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là sự tăng cường nguồn lực, tài chính cho công tác Dân số-KHHGĐ của tỉnh trong những năm qua, đã tạo được nhiều thuận lợi thúc đẩy các phong trào thi đua của tập thể, cá nhân thực hiện tốt KHHGĐ.

Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam năm nay, trong bối cảnh công tác Dân số - KHHGĐ của Kiên Giang và cả nước đã ổn định mức sinh, nhưng lại phải giải quyết những thách thức mới được hình thành và phát triển theo qui luật tư nhiên, của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và già hoá dân số. Từ dấu ấn quan trọng qua sự kiện kỷ niệm 16 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1997 – 26/12/2013), trong giai đoạn mới, ngành Dân số tỉnh sẽ phát huy hơn nữa nội lực của mình trong công việc, với mong muốn góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững, vì sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân./.

Thanh Dũng

Số lần đọc: 1899
Theo kiengiang.gov.vn
Tin liên quan