Tin nóng
07.03.2014
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh đã chủ trì hội nghị sơ kết ba năm xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh.

Qua 3 năm 2011-2013 thực hiện đầu tư phát triển GTNT, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng mới trên 1.300 km đường GTNT, tổng kinh phí trên 788 tỷ đồng. Trong đó có trên 230 tỷ đồng là nguồn vốn do nhân dân đóng góp. Đến cuối năm 2013, 96/103 xã trong đất liền có đường nhựa về tới trung tâm xã.

Đến nay, Kiên Giang đã hoàn thành việc quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Quy hoạch GTNT trên địa bàn 11 huyện. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Kiên Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Đề án đầu tư phát triển hệ thống GTNT, thực hiện mục tiêu nhựa hóa 100% số xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm và 60% trở lên số ấp có đường được bê tông hóa giai đoạn 2011 đến 2015 thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ IX.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn cũng đã khiến việc huy động vốn từ các doanh nghiệp và các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Công tác huy động vốn trong nhân dân còn chậm, do người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây giá lúa rất thấp, người nông dân sản xuất không có lãi nên không mạnh dạn đóng góp làm đường. Nhất là ở một số xã vùng sâu, biên giới, hải đảo và xã có nhiều đồng bào người dân tộc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Văn Huỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định phải tiếp tục thực hiện xây dựng GTNT. Đẩy mạnh xã hội hóa bằng việc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp.

Hiện nay trên toàn tỉnh Kiên Giang còn trên 1.800 cầu GTNT cần được xây dựng. Nhưng trong thời gian qua, vốn xây dựng GTNT tập trung xây dựng đường. Hệ thống cầu chủ yếu huy động từ các nguồn xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp và các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa (đầu tư theo hình thức BOT) chủ yếu đầu tư tại các vị trí cầu có lưu lượng xe lớn; đầu tư từ nguồn vốn kêu gọi các doanh nghiệp và các nhà tài trợ chủ yếu là cầu có quy mô nhỏ, phục vụ cho xe gắn máy và người đi bộ nên không đảm bảo về chất lượng và mức độ an toàn khi đưa vào sử dụng.

Để khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch Mai Văn Huỳnh đề nghị các cơ quan chức năng tập trung khắc phục khó khăn, tích cực huy động các nguồn lực cho GTNT. Các địa phương rà soát lại hệ thống đường GTNT, xem cầu nào, đường nào xuống cấp nặng, không đảm bảo an toàn thì phải ưu tiên đầu tư trước. Đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng của các chủ đầu tư các công trình hiện tại, tập trung các nguồn lực để 100% trung tâm xã có đường ô tô vào năm 2015./.

Hoài Anh

Số lần đọc: 1963
Theo Kiengiang.gov.vn
Tin liên quan